Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi vào vườn cây trái trĩu quả, hay ngắm cảnh buôn bán tấp nập của người dân trên sông, bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống yên bình nơi miền quê sông nước Vĩnh Long. Không những thế du khách đến đây du lịch còn được ngắm nhìn vẻ đẹp hoành tráng và thơ mộng của cây cầu Mỹ Thuận hay những ngôi chùa cổ kính, thâm nghiêm.
Bạn có thể đến Vĩnh Long bất kỳ thời điểm nào trong năm để hòa mình vào những phiên chợ nổi trên sông, đồ gốm sứ, những cánh đồng lúa bát ngát hay những con kênh nhỏ chằng chịt đan vào nhau tuy nhiên mùa hè vẫn là thú vị nhất vì có những vườn cây trái trĩu quả.
Đến Vĩnh Long bằng phương tiện gì?
Phần di chuyển này mình chỉ gợi ý từ điểm bắt đầu là Sài Gòn sau đó sẽ đi các tỉnh, các bạn ở nơi khác thì chịu khó tham khảo thêm.
Hầu hết việc di chuyển ở khu vực miền Tây đều di chuyển bằng ôtô. Các bạn có thể ra bến xe miền Tây địa chỉ 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân TP.HCM để mua vé hoặc liên hệ các xe chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Vĩnh Long như:
Xe Phương Trang
Ở Sài Gòn đỉa chỉ 272 Đề Thám, quận 1 điện thoại (08) 38375570.
Ở Vĩnh Long: bến xe Vĩnh Long điện thoại (070) 387.9777, bến xe Bình Minh (bờ phà Cần Thơ) điện thoại (070) 374.2999.
Xe Mai Linh
Tổng đài đặt vé tại Sài Gòn: (08) 39 29 29 29. Đường dây nóng: 0985 29 29 29.
Ở Vĩnh Long: bến xe Vĩnh Long 1E Đinh Tiên Hoàng điện thoại (070)3878878.
Xe Phú Vĩnh Long
Chạy tuyến: Sài Gòn - Vĩnh Long. Xe 15 chỗ, xuất bến tại Sài Gòn từ 4h30 đến 19h30 mỗi giờ chạy một xe. Ngoài ra xe sẽ chạy đột xuất nếu đủ 15 ghế.
Ở Sài Gòn: 572 đường 3/2-P14-Q10 (ngã tư 3/2 Ngô Quyền), điện thoại (08)3866.0378 - 3866.0789 - 3868.6035 - 3868.6036.
Ở Vĩnh Long: 09 Nguyễn Huệ-P8-Vĩnh Long, điện thoại (070) 383.4444 - 383.6666 - 3.888888.
Bằng phương tiện cá nhân
Vĩnh Long cách Sài Gòn Từ TP.HCM 137km, quãng đường khá thích hợp cho một chuyến phượt cuối tuần hay dịp lễ. Có nhiều hướng xuất phát từ Sài Gòn đi Vĩnh Long, song được nhiều phượt thủ lựa chọn nhất là từ vòng xoay Phú Lâm và cao tốc Trung Lương (đến ngã ba Trung Lương thì đi qua cầu Rạch Miễu đi Tiền Giang - Bến Tre; qua cầu Mỹ Thuận đi Tiền Giang - Vĩnh Long.
Ở đâu tại Vĩnh Long?
Có 3 phương án để qua đêm ở Vĩnh Long là cắm trại, ngủ nhờ nhà dân và thuê phòng. Mỗi phương án đều có ưu khuyết và tùy vào sở thích, số lượng người, độ tuổi… để quyết định.
Nếu thuê phòng các bạn tham khảo các khách sạn - nhà nghỉ ở Vĩnh Long dưới đây và nhớ gọi điện đặt trước để tránh tình trạng đến Vĩnh Long du lịch mà không có phòng để ở.
Khách sạn Cửu Long
Địa chỉ: 1 Đường 1 tháng 5, P.1, Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3823 656/ 3822 494 Fax: 3823 848
Khách sạn Trường An
Địa chỉ: Quốc lộ 1A, xã Tân Ngãi, Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3823 161 / 3822 630 Fax: 3815 240
Khách sạn An Bình
Địa chỉ: 3 Hoàng Thái Hiếu, P.1, Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3823 190 Fax: 3822 231
Khách sạn Thái Bình
Địa chỉ: 190 Lê Thái Tổ, Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3831 833 Fax: 3822 213
Nhà khách Thanh Bình
Địa chỉ: 54A Đinh Tiên Hoàng, Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3821 044
Nhà nghỉ Bình Lư
Địa chỉ: 270 Phạm Hưng. Tp. Vĩnh Long
Điện thoại: 3822 363
Khu vực trung tâm Vĩnh Long gồm các tuyến đường như 3/2, Trưng Nữ Vương, Lê Lợi, Nguyễn Thị Út, Hưng Đạo Vương,... các bạn nên căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển.
Ăn gì ở Vĩnh Long?
Chuột đồng nướng Vĩnh Long
Thịt chuột đồng thơm phức trắng như thịt gà và mềm như thịt thỏ, vị của nó thật khó tả, ngọn đậm và thơm. Có lẽ món chuột gắp nướng hấp dẫn hơn cả vì giữ được vị ngọt thịt tươi và mùi thơm đặc trưng không hề lẫn lộn với bất kỳ loại thực phẩm nào.
Cách chế biến món chuột nướng cũng đơn giản và nhanh, nên có thể gọi nó là "fast food đồng quê" cho những người sành điệu "chuột đồng 7 món". Hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch là mùa chuột đồng kiếm được nguồn thức ăn dồi dào nhất nên con nào cũng ú tròn, lông mượt vàng - cũng là mùa dân ruộng săn chuột đồng. Chuột chọn nướng phải còn sống, mập (nhiều mỡ). Sau khi giết, người ta phủ rơm lên thui lông chuột (rơm vừa đủ thui trụi lông và phải là rơm khô, thịt mới giữ mùi); sau đó cời than ra và cắt đầu, lột da, bóc bỏ bộ lòng và rửa sạch (phải làm thật kỹ, nếu không thịt sẽ khai và hôi mùi chuột). Dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ, cháy xèo xèo. Bạn không cần ướp gia vị nhưng mùi thơm của nó có thể lan xa... khắp xóm.
Muốn ăn chuột nướng, bạn nhất thiết phải có rau răm (nó khử mùi tanh, làm đậm mùi thơm của thịt). Bạn có thể thêm chuối chát, khế và các loại rau mùi khác. Tuy nhiên, không thể thiếu xoài sống cắt lát để ăn kèm với thịt. Bằm nhuyễn một ít xoài cho vào nước mắm trong loại ngon, thêm một chút ớt cay để làm nước chấm.
Mùa khô ở miền Tây oi nồng, nhưng sau cuộc đi săn, vào núp dưới bóng râm, dân ruộng thường khoái thưởng thức ngay món chuột nướng. Củi rơm sẵn, rau, trái sẵn trong bờ ruộng, mương vườn, món "fast food đồng quê" sẽ làm họ quên nhanh cảm giác nhọc nhằn. Với dân biết nhậu thì không thể thiếu một chút men cay khi bày ra món này.
Cá lăng nấu ngót
Cá lăng nấu ngót cũng là món ngon, bình dân và rất dễ làm. Mua cá lăng nghệ, một con chừng 500g thật tươi về rửa sạch, cắt ra làm ba khúc (đầu, bụng, đuôi) để ráo và sau đó ướp vào một muỗng cà phê muối, một ít tiêu để khoảng 20 phút cho cá thấm. Cần tây, hành lá rửa sạch, cắt khúc, cà chua thái miếng nhỏ.
Bắc nồi lên bếp cho nóng, đổ dầu vào và khử hành củ cho thơm. Đổ nước lạnh vào nồi, tùy theo lượng khách mà bạn cho nước. Sau đó đun thật sôi. Nước sôi bỏ cá vào và nêm nếm gia vị, gồm nước mắm, muối, bột ngọt. Cá chín và sôi lại lần nữa cho cà chua, cần tây vào nhắc xuống. Bỏ hành lá và khi ăn vắt chanh cho đủ gia vị. Vị chua của chanh, vị ngọt của cá và với các loại gia vị nêm nếm khác sẽ đem lại cho khách một món ăn ngon miệng, ngạt ngào hương vị đồng quê.
Có thể ăn kèm với dưa leo, rau sống hoặc ngó sen, dưa bồn bồn, bông súng bóp dấm để chấm. Món này ăn nóng với cơm hoặc bún rất ngon. Cá lăng nghệ hiện nay có bán ở các chợ miền Tây giá khoảng 50.000đ/kg.
Ốc lác hấp lá gừng
Ốc lác hấp lá gừng non là một món ngon dân dã, dễ làm, dễ tìm nguyên liệu. Tìm mua hoặc chịu khó mò vớt trong mương vườn, nhặt trên ruộng chừng một ký lô ốc lác loại bằng đầu ngón chân cái. Ngâm nước vo gạo vài tiếng đồng hồ hoặc trong nước sạch chừng 24 giờ cho ốc nhả cặn. Rửa sạch ốc, cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi cho thơm.
Vớt ốc ra rổ, lau khô mình ốc. Phần thịt ốc thái hạt lựu nhỏ để riêng. Thịt nạc vai băm nhuyễn. Nấm rơm ngâm nở thái nhỏ. Gừng một phần thái chỉ ngâm nước, còn lại giã nhỏ. Lá gừng rửa sạch để ráo. Trộn thịt ốc với một chút nước gừng, hạt tiêu, bột ngọt, ớt băm nhỏ, nấm hương, nạc vai, bún tàu. Nhồi nhân cho dẻo, để ngấm chừng 10 phút.
Đặt lá gừng ngang miệng ốc, nhồi nhân vào cho đầy ngang miệng ốc, thoa mặt nhân cho mịn, xếp ốc vào lồng hấp. Đem hấp cách thuỷ khoảng 15 phút. Khi ốc nhồi chín, lấy ra bày vào đĩa, rắc gừng thái chỉ, ớt tỉa hoa trang trí. Nắm hai đầu lá gừng kéo thịt nhồi ra, ăn nóng chấm nhồi ốc với nước mắm chua cay. Món này có mùi thơm đặc trưng của ốc với lá gừng non, vị lạ mà ngon, rất hấp dẫn.
Cá Lóc nướng trui Vĩnh Long
Nướng trui không bao giờ để cá lên vĩ bên dưới hừng hực than hồng như nướng những thức ăn khác mà phải nướng lửa. Ngọn lửa rơm, nếu làm khác đi, miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui.
Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt. Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm "không chịu nổi".
Việc nướng cá nghe thì tưởng dễ nhưng nếu không phải là tay thành thạo thì nướng sẽ không được ngon. Cái giỏi của người có tay nghề là rơm phủ chỉ có một lần. Rơm cháy vừa hết thì cá cũng vừa chín đến nơi. Qúa chín thì cá hết ngọt, chưa chín tới cá nhão có mùi tanh, chất nhiều rơm cá khét, rơm thiếu cá sống khúc đầu, đốt thêm lửa, khúc giữa và khúc đuôi khô nước mất ngon.
Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm, các loại để lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt giữa lớp rau xanh cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.
Rau, trước nhất không thể thiếu rau dấp cá kế đến húng cây, húng lũi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, đặc biệt các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn .... Miếng cá vừa thơm vừa ngọt, ăn cho đến da cá thì còn phải tốn thêm vài xị rượu đế làng quê, miếng da vừa giòn vừa thơm nếu bỏ đi là người chưa biết thưởng thức "cá lóc nướng trui".
Ngoài ra còn có các món như bánh xèo gần ngã ba Chiều Tím. Cơm Trưa thì ở Quán Tân Tân , nằm trên đường Trưng Vương (gần bờ sông, bên hông bệnh viện cũ), đặc biệt món cá Trèn chiên giòn. Khu du lịch vườn bên Cồn, ăn cá tai tượng chiên xù tuyệt cú mèo. Nhà hàng Thiên Tân (Đùơng Phạm Thái Bường gần đài Truyền hình Vĩnh Long) với các món đậu hủ sữa, bông bí chiên, veo giả cầy, chuột quay lu, lẩu nấm...
Tham quan gì ở Vĩnh Long?
Cầu Mỹ Thuận
Vị trí: Cầu bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Cầu được khởi dựng ngày 06/7/1997, khánh thành ngà y 21/5/2000. Tổng chiều dài của cầu là 1.535 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Chiều dài phần cầu chính là 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m. Mặt cầu rộng 23,6 m chia thành 4 làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên. Cầu Mỹ Thuận là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Australia và Việt Nam, một công trình giao thông có kiểu dáng kiến trúc duyên dáng trên quốc lộ 1A, thu hút khách du lịch mọi miền.
Văn Thánh Miếu
Di tích tọa lạc tại đường Trần Phú, phường 4, thị xã Vĩnh Long. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là một công trình văn hóa mang ý nghĩa đề cao Nho giáo, là thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến. Trong Nam Kỳ lục tỉnh, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được nhà Nguyễn xây dựng sau cùng và còn tồn tại đến hôm nay.
Công trình Văn Thánh miếu khởi công vào ngày 10 tháng 10 năm Giáp Tý 1864 (đời Tự Đức thứ XVII), hoàn thành cuối năm Bính Dần 1866. Cổng tam quan với ba tầng mái ngói dẫn vào bên trong di tích là con đường có hai hàng sao thẳng tắp. Trên con đường này trước gian chánh điện có bia đá tạc bài văn của cụ Phan Thanh Giản trước tác.
Công trình Văn Thánh Miếu Vĩnh Long gồm có Văn Miếu và Văn Xương Các. Bên trong Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử, Tứ Phối, Thập Nhị Triết (những người học trò xuất sắc của Khổng Tử). Tả Vu, Hữu Vu thờ Thất Thập Nhị Hiền.
Trong khuôn viên di tích còn có một công trình văn hóa đặc sắc làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh miếu Vĩnh Long đó là Văn Xương Các. Văn Xương Các xây dựng bằng danh mộc, gồm hai tầng. Tầng trên thờ Văn Xương Đế Quân, gồm ba vị: Cửu Thiên Khai Hóa Văn Xương Tử Đồng Đế Quân, Cửu Thiên Tuyên Hóa Văn Xương Khôi Khoa Tinh Quân và Cửu Thiên Dương Hóa Văn Xương Kim Giáp Tinh Quân. Tầng dưới đặt khánh thờ Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, Khâm Sai Đại Thần - Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, cùng các vị đại thần của nhà Nguyễn. Bên cạnh các vị đại thần về sau nhân dân còn đưa vào thờ những người có công lớn trong việc bảo vệ, trùng tu Văn Thánh miếu như: ông Trương Ngọc Lang, ông Tống Hữu Định…
Hàng năm di tích có các lễ cúng Xuân Đinh, Thu Đinh. Lễ vía cụ Phan vào mùng 4,5 tháng 7 âm lịch và lễ cúng các quan đại thần và giỗ âm binh vào ngày 12,13 tháng 10 âm lịch.
Di tích lịch sử - văn hóa Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 25.3.1991.
Chùa Tiên Châu
Vị trí: Chùa nằm trên cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, đối diện với thị xã Vĩnh Long, bên kia bờ sông Cổ Chiên.
Đặc điểm: Chùa Tiên Châu được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng mát. Chùa còn có tên là chùa Di - Đà hay Tô Châu.
Theo truyền thuyết, chùa Tiên Châu được xây dựng vào khoảng năm 1750. Năm ấy, hòa thượng Giác Nguyên (đệ tử thiền sư Liễu Quán, quê ở Thừa Thiên) đến đây thấy khung cảnh u nhã, đã dựng một am nhỏ bằng tre, vách lá thờ Phật Di Đà, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc, gọi là Tiên Châu Di Đà tự, thường gọi là am Bãi Tiên. Với am Bãi Tiên, hòa thượng Giác Nguyên thường tổ chức các sinh hoạt Phật sự, thu hút khá đông tín đồ.
Chùa được xây dựng theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau, gồm có chánh điện, hậu tổ, hậu liêu. Chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân địa phương, nhất là những người thợ tài hoa từ kinh đô Huế vào. Toàn bộ gỗ xây dựng đều là danh mộc được thả bè từ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) về đây.
Trong khuôn viên, phía trước chùa có tượng Phật Bà Quan Âm đứng uy nghi trên đài sen, tay cầm bình nước cam lồ tưới nhuần ơn phước cho chúng sinh. Bên trái chùa là tượng Phật Thích Ca tĩnh tọa dưới sự che chở của chín con rồng, đằng sau là cội bồ đề râm mát. Bên phải chùa là tượng Phật Di Lặc với nụ cười viên mãn cho một thời kỳ mai sau con người sống hết sức an lạc...
Sau hàng trăm năm hình thành và phát triển, chùa Tiên Châu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ, ngày 12-12-1994.
Cù Lao An Bình và Bình Hòa Phước
Vị trí: Cù Lao An Bình và Bình Hòa Phước nổi giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, Cù Lao gồm bốn xã: An Bình, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh và Ðồng Phú, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đặc điểm: Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, sapôchê...
Các điểm du lịch trên cù lao này là:
Vườn cảnh Bonsai của ông Sáu Giáo tại ấp Bình Thuận xã Hoà Ninh với hàng trăm loài cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thuỷ, lài... xung quanh nhà là vườn nhãn và ao nuôi cá tai tượng, loại cá thịt ngon.
Nhà sàn ông Mười Ðầy - nhà sàn cất bằng gỗ trên rạch Ninh Hoà, phía sau nhà là vườn nhãn, bưởi, sapôchê.
Ngôi nhà xưa ông Hai Hoàng được xây cất theo kiến trúc Pháp có sân rộng và phía sau là vườn chôm chôm và nhãn. Ðây là nơi ăn trưa và nghỉ đêm của du khách.
Các vườn trái cây đặc sản khác là vườn chôm chôm ông Chín Hoán, vườn chôm chôm ông Chín Cần, vườn nhãn tiêu ông Tám Hổ, và vô số các vườn trái cây khác.
Vườn bưởi trên cù lao Mỹ Hoà huyện Bình Minh, cách Vĩnh Long 30km, chuyên trồng bưởi năm roi, loại bưởi ngon nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mua quà gì ở Vĩnh Long?
Bạn đang băn khoăn không biết mua gì làm quà khi đi du lịch Vĩnh Long cho người thân, bạn bè. Dưới đây là một số đặc sản làm quà khi du lịch Vĩnh Long mà bạn nên mua.
Bưởi năm roi
Đây là đặc sản rất ngon có vị ngọt và chua nhưng lại chứa rất nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và hệ miễn dịch của bạn. Quả bưởi này có nhiều ở xã Mỹ Hòa huyện Bình Minh - Vĩnh Long.
Thanh trà
Ở Vĩnh Long, thanh trà được trồng rất nhiều, tập trung từ ấp Đông Hưng cho tới 2 ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa (xã Đông Thành, huyện Bình Minh). Đến đây trong mùa trái thu hoạch, sẽ rất thú vị khi nhìn thấy ẩn hiện hàng bao nhiêu những trái thanh trà vàng ươm xinh xắn trong màu xanh thẫm của những chòm lá dày.
Thanh trà có hai loại là trái chua và trái ngọt. Trái chua vỏ cứng, ăn giòn. Trái ngọt vỏ mềm. Trước khi thưởng thức thanh trà, người ta phải nắn hoặc xoa đều tay cho trái mềm để dễ lột bỏ vỏ. Trái chua thì chấm muối ớt. Nếu dằm đường và nước đá đập thì chỉ cần bóc bỏ vỏ là đã có loại nước giải khát tuyệt hảo chua chua ngọt ngọt trong những ngày hè oi bức.
Cam xoàn
Trà Ôn còn có một đặc sản rất nổi tiếng ấy là cam xoàn. Cam xoàn cùng một họ với cam mật, dễ trồng. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh, thích nghi với vùng đất cao ráo thoát nước tốt. Cam xoàn ruột vàng, vị ngọt thanh hơn quít, trái to, cây từ 3 năm tuổi trở lên có trái quanh năm.
Đặc điểm của cam xoàn là trái càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ, múi dẽ so với các loại cam sành, cam mật. Khách có thể mua cam xoàn cùng với những đặc sản nổi tiếng khác như cam sành, bưởi năm roi, măng cụt, chôm chôm, xoài cát... với giá cả phải chăng tại chợ Trà Ôn hoặc các sạp trái cây nhỏ dọc đường. Tuy nhiên, để chọn đúng loại cam này, bạn cần nhớ đặc điểm của quả cam là dưới đít trái cam xoàn chánh gốc luôn có dấu tròn như đồng xu, hơi lõm.
Những lưu ý khi đến Vĩnh Long
Bất kỳ trang phục nào bạn thích. Nhưng nếu tính đến việc di chuyển nhiều, nên mang quần áo gọn gàng, giày, dép bệt.
Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
Mang theo kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng.
Mang lều, áo khoác, nồi nếu có ý định cắm trại.
Với những gợi ý trên đây mong các bạn có được một tour gia re đi Vĩnh Long vui vẻ!