Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Quy Nhơn - Bình Định

Quy Nhơn được mệnh danh là thành phố của thi ca, nằm nép mình giữa một bên là núi và một bên là biển cả bao la tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình như vẫy gọi du khách hãy một lần đến với vùng đất này. Không ồn ào, nhộn nhịp như Sài Gòn, cũng không đẹp lộng lẫy bằng Nha Trang, Quy Nhơn mang cho mình một vẻ đẹp kiêu sa, thơ mộng với bãi biển dài cong vút, Đầm Thị Nại rộng mênh mông, mộ thi nhân Hàn Mặc Tử yên bình... Tất cả đã tạo nên một điểm đến du lịch thú vị mà bạn không thể bỏ qua.



Quy Nhơn được nhắc đến từ những câu chuyện tình lãng mạn gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử, có lẽ vì vậy mà thành phố này cũng dịu êm và thướt tha đến nên thơ lạ thường. Đến với Quy Nhơn, bạn sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, khám phá nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc và thưởng thức cả kho tàng ẩm thực nổi tiếng tại nơi đây. Thành phố Quy Nhơn có biển, cát, sóng, gió,... Tất cả tạo nên một Quy Nhơn riêng trong nỗi nhớ của du khách.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin trong chuyến du lịch bụi Quy Nhơn, nó sẽ giúp ích cho bạn khi trải nghiệm tại thành phố biển này.

Kinh nghiệm đi tour gia re du lịch Quy Nhơn - Bình Định


1. Phương tiện di chuyển


Có nhiều phương tiện để đến Quy Nhơn, bạn hãy chọn cho mình một cách đi phù hợp, thoải mái nhất nhé!
  • Xe tốc hành: Các bạn có thể đi xe của Mai Linh, Phương Trang, Thuận Thảo, tất cả đều là xe chất lượng cao. Xe thường chạy buổi tối tầm 5 - 8h. Xe chạy khoảng 12 - 14 tiếng thì tới. Mình thì thích đi xe Phương Trang vì nó đi nhanh hơn 1 chút, đi đúng giờ, không bắt khách dọc đường và giá cả cũng phải chăng. Có xe trung chuyển đưa mình tới khách sạn luôn nè. 
  • Xe lửa: Hiện có xe đi Sài Gòn - Quy Nhơn đến ngay ga Quy Nhơn, ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn. Mình đã xem giá vé khoảng 300k/1 chiều (ghế ngồi cứng).
  • Máy bay: Có tuyến Sài Gòn - Quy nhơn, tuyến Hà Nội - Quy Nhơn. Sân bay nằm ở Phù Cát, cách thành phố tầm 30km, có thể đi xe buýt hoặc taxi vào thành phố.


Đi lại trong Quy nhơn:

  • Ở đây có các tuyến xe buýt ra các khu du lịch 
  • Dịch vụ mướn xe máy thì không nhiều. Mình nghe các anh/chị trên đây nói mướn xe ở gần khách sạn Hải Âu. Giá tầm 120k/ngày 
  • Nếu có thể mình có thể gửi xe máy của mình theo các xe tốc hành. Cách này mình thấy tiện nhất.


2. Khách sạn


Hãy chọn khách sạn phù hợp với túi tiền và nhu cầu của mình nhé, nếu đi phượt chỉ cần ở khách sạn từ 2 - 3 sao là bạn đã cảm thấy thoải mái rồi, giá cả hợp lý. Hoặc tiết kiệm hơn hãy chọn khách sạn bình dân cũng thuận tiện.
  • KS 5 sao: HAGL(80$), Life Resort (130$) 
  • KS 4 sao: Hải Âu, Hoàng Yến (500k) 
  • KS bình dân (cái này mình hay ở): có khá nhiều. Mình chỉ giới thiệu 1 vài nơi mình đã ở.
  • KS Điện Lực nằm trên đường Lê Hồng Phong, kế bên đồn Công An. Giá phòng 110k/n (8/2008). Bữa nay nó sửa thành chỗ bán điện thoại bên dưới, bên trên vẫn là khách sạn, nội thất khá cũ kĩ nhưng phòng rất rộng và cũng sạch sẽ. Lần đó mình đăng kí ở có 1 người mà nó cũng để phòng 2 giường đôi, rộng thênh thang. 
  • KS Thắng Lợi trên đường Trần Phú, giá phòng là 120k/n, tết là 140k/n, người thứ 3 phí phụ thu 20k. KS này có 2 khu nằm đối diện nhau, các chị có ở thì ở khu có tiếp tân nhé, vì khu này mới, phòng ốc sạch đẹp. Khu còn lại cũ và không đẹp lắm. 
  • KS lớn nằm trên đường Lê Lợi (số 28 LL). Ở đây phòng đẹp, rộng rãi, có ban công. Giá 180k/3người/ngày. Ở ít hơn giá cũng vậy. 
  • Các KS này đều gần biển, đi bộ tầm 5 phút sẽ thấy biển.


3. Các điểm du lịch


Cùng hòa mình và tận hưởng tất cả những địa điểm du lịch tại đây nhé, nếu đi phượt mà bỏ qua một số thắng cảnh ở đây thì sẽ rất tiếc đó.

Khu du lịch Ghềnh Ráng


Nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu đẹp một cách kiêu sa, đài cát.
Bãi Trứng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông – Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách với vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ.
Bãi Trứng là một bãi biển rộng lớn với những viên đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng với đủ mọi kích cỡ xếp lên nhau trên bãi biển. Phía trước bãi là những tượng đá thiên nhiên chắn sóng, tạo nên 1 vùng nước lặng. Quý khách có thể tắm biển, xây lâu đài cát hoặc nhặt những viên đá lạ mắt về làm quà cho người thận.


Từ Quy Nhơn ra Sông Cầu có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Dài, Bãi Bầu, Bãi Xếp. Từ Tp đi tầm 15-20p xe máy là tới. Mấy bãi này thì đẹp không tả, nước trong veo, và sạch sẽ, phí vào cộng thì cực rẻ, chỉ 5k có mái che cho mình luôn nhé.

Biển Quy Hòa


Nhắc đến Quy Hòa, người ta nghĩ ngay đến thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trong những ngày cuối đời, ông đã tìm được chốn nương náu cho mình bên bờ biển bình yên. Nơi đây hiện vẫn là trại phong và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến đất võ Bình Định.

Nép mình cạnh trại phong Quy Hoà. Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm đềm với những đợt sóng nhỏ, nước trong vắt và những hàng dương xanh ngát đung đưa theo tiếng gió, tiếng chim ríu rít hoà lẫn trong tiếng sóng tạo cảm giác thanh bình và yên ả.

Đến biển Quy Hòa vào sáng hoặc chiều, khách đắm mình trong không gian yên lành. Ai đó bảo rằng, Quy Hòa như một nàng tiên. Buổi trưa, mắc chiếc võng dưới hàng phi lao nghe biển hát, mọi lo toan đời thường như tan biến. Thế mới thấy sự lạc quan, yêu đời của những người bệnh luôn hướng về phía trước. Để ngày nay có bóng dáng người phụ nữ nắm tay con đứng chờ chồng đang cất mẻ lưới cuối cùng để vào bờ trước khi trời tối. Ngôi làng ban đêm ấm áp bên mâm cơm quây quần của những cư dân bám trụ đất này.




Trại phong Quy Hòa 


Nằm dưới một thung lũng yên bình bên bờ biển. Từ Quy Nhơn - Bình Định hoặc Sông Cầu - Phú Yên, khách men theo con đường dọc biển tuyệt đẹp. Đó là Quốc lộ 1D đi qua những bãi biển cát trắng mịn màng và những ghềnh đá cheo leo, ngoạn mục. Trại phong nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km. Đứng trên đường quốc lộ nhìn xuống, trại phong như một ngôi làng xinh xắn. Mới nhìn vào, ai cũng cảm nhận được sự bình yên và nên thơ của vùng đất này. Nhiều người bảo, đây là ngôi làng Quy Hòa thay cho Bệnh viện phong - da liễu Quy Hòa...



Mộ thi nhân Hàn Mặc Tử


Ở sườn đồi phía Bắc, nơi những cánh hoa rơi ngập lối đi, là ngôi mộ đầu tiên của Hàn Mặc Tử trước khi được cải táng về Ghềnh Ráng trên đồi Thi Nhân. Bao nhiêu du khách đã đến đây đều không ngớt lời khen tặng đất và người ở ngôi làng này. Đất đã cưu mang bao người bất hạnh. Biển như đôi cánh tay khổng lồ dang rộng tình yêu thương. Người không phụ đất, sống chan hòa và vun xới nơi đây thành vùng đất tràn trề nhựa sống. Biển Quy Hòa đẹp vô ngần, đâu cũng sạch sẽ. Sóng biển vỗ về ôm lấy bờ cát. Những hàng cây phi lao rì rào trong gió điệu hát của yêu thương suốt trăm năm. Khác với những khu du lịch khác, Quy Hòa khá yên ắng. Cả khi đoàn khách lên đến vài trăm người khi đến đây cũng phải trải lòng. Không vì buồn mà vì hạnh phúc, vì những tấm lòng đôn hậu của những cư dân của ngôi làng.



Cù lao Xanh Bình Định


Cách đất liền khoảng 24km, đảo Cù Lao Xanh thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá du lịch tự nhiên kỳ thú.
Từ cảng cá Quy Nhơn ra đến đảo Cù Lao Xanh, du khách phải mất khoảng 50 phút đi bằng tàu thủy cao tốc và trên 150 phút đi bằng tàu vận chuyển hành khách của ngư dân trong điều kiện trời yên biển lặng.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo Cù Lao Xanh là một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển Đông, được bảo phủ bởi một màu xanh của cây, hòa quện với màu xanh của nước biển tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp kỳ thú.

Thiên nhiên, nơi đây còn khá hoang sơ với những dãy núi uốn quanh xanh ngút ngàn, những tảng đá tự nhiên chồng lên nhau rất đẹp mắt. Những rạn san hô, bãi đá ngầm, hòn ông già nhấp nhô giữa biển.
Bình minh trên đảo là không khí tấp nập, ghe thuyền vào bờ đem niềm vui sau mỗi chuyến đi lưới
Đặc biệt, đến đảo du khách không ghé thăm ngọn hải đăng chụp một tấm hình kỷ niệm thì không phải là đến đảo. Ngọn hải đăng được xây dựng năm 1890, theo kiến trúc thời Pháp thuộc rất độc đáo, vững chắc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử ngọn hải đăng vẫn luôn sáng đèn giúp việc định vị của tàu thuyền đánh bắt trên biển Bình Định và khu vực biển lân cận của Nam miền Trung. Vì vậy, ngọn hải đăng còn được gọi là đôi “mắt thần” của biển.


Kỳ thú hơn, đứng từ đỉnh ngọn hải đăng, có thể nhìn bao quát toàn bộ không gian làng chài đang nằm yên bình dọc theo eo biển. Phóng tầm mắt ra xa là không gian bao la xanh ngắt của biển trời quê hương.
Giờ đây một vận hội mới đang được mở ra cho dân đảo. Tương lai không xa, Cù Lao Xanh sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn luôn gọi mời và níu chân du khách. Sự quyến rũ của đảo Cù Lao sẽ nối những đoàn tàu đến với người dân trên đảo và mở ra cánh cửa du lịch hết sức tiềm năng trong việc cung ứng xăng, dầu, đá lạnh, và những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống của người dân nơi đây.

Cầu Thị Nại Bình Định


Hoà trong vẻ đẹp thiên nhiên của đầm Thị Nại – Bán đảo Phương Mai là cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km gồm 5 cầu ngắn và cầu Thị Nại. Trong đó, nổi bật là cầu Thị Nại có độ dài 2.477,3m – là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay với 54 nhịp nối liền thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội. Cầu Thị Nại không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân Bình Định, mà còn là điểm nhấn hấp dẫn biết bao du khách khi đến TP. Quy Nhơn.
Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội).

Cầu Thị Nại 

Eo Gió (Nhơn Lý) là nơi hoang sơ và đậm chất sử ca nhất của QN


4. Món ăn - đặc sản


Để trọn vẹn hơn trong chuyến du lịch đó là thưởng thức ẩm thực tại đây để tận hưởng mùi vị tuyệt vời và độc đáo của riêng mảnh đất võ ấy nhé. 

Rượu Bầu Đá (RBĐ)


Đặc sản của quê hương Bình Định, có xuất xứ từ thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn). Nấu rượu là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Tương truyền từ ngày xưa, khi Bình Định còn là kinh đô của Chiêm Thành, RBĐ là thức uống chỉ được dùng để tiến cống lên vua Chế Mân, và nguồn nước dùng để nấu rượu cũng chỉ duy nhất lấy từ một bầu đá trong vùng. Không dùng loại nước này, RBĐ sẽ bị thay đổi mùi vị và màu sắc, mất đi cái đặc trưng cần có của rượu.

Đưa rượu lên rót, tiếng rượu thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng dịu, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi tăm, ngát hương, uống vào cho cảm giác lâng lâng, bay bổng. Chính nhờ những đặc trưng này mà danh tiếng của RBĐ vang xa, RBĐ đã có mặt khắp nơi trong cả nước và được người tiêu dùng chấp nhận.


Nem chua chợ huyện


Người Bình Định thường nhắc đến câu ca dao khi nói về một món đặc sản đậm đà hương vị quê hương miền đất võ: “Ai về Vinh Thạnh quê em. Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng.”
Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Tùy theo sở thích, có người chỉ ăn độc một thứ nem để tận hưởng hương vị của thịt; có người lại thích cuốn với bánh tráng mỏng để thưởng thức cái dai, cái giòn của đặc sản này.
Nem tươi ăn liền, ai muốn để dành hoặc làm quà cho người thân thì mua nem chua. Nem chua là nem tươi được gói bằng lá vông, bên ngoài bọc lá chuối. Ngày nay người ta dùng lá ổi thay cho lá vông nhưng nem được gói bằng lá vông ngon và dịu hơn. Sau khi gói được ba ngày thì nem sẽ đến độ chín, chua như món dưa cay tuyệt vời.


Bánh ít lá gai


"Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi."

Bánh ít là món bánh rất Bình Định - từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những cụm tháp Chàm cổ kính sừng sững trên chỏm núi của vùng đất An Nhơn - đó là cách nhìn của họa sĩ. Vỏ bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng. Ngoạm một miếng, ngậm mà nghe chút đắng của lá, cảm vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, mới thấy thấm cái hồn của ẩm thực quê hương.


Bánh hỏi lòng heo



Ngoài ra, đến Quy Nhơn không nên bỏ qua hương vị ẩm thực phong phú của địa phương như: Bún chả cá, bánh tráng nước dừa, bánh xèo, hải sản tươi… 


Những lưu ý khi đi du lịch ở Quy Nhơn


  • Các bạn nên đến Quy Nhơn vào tháng 2 - 8 trong năm, vì lúc này thời tiết ở Quy Nhơn khá ổn định phù hợp với việc đi du lịch, còn những tháng còn lại thường có bão và lũ.
  • Nên lên mạng tìm hiểu về giọng nói và ngôn ngữ địa phương của người Bình Định trước. Vì khi đến nơi này người dân ở đây nói hơi khó nghe và sử dụng nhiều từ địa phương mà người nơi khác không tài nào hiểu nổi.
  • Khi tắm biển bạn nên chọn chỗ đông người hay có dán biển báo không có xuất hiện cá Mập thì mới tắm, bởi vì vùng biển này thỉnh thoảng xuất hiện cá Mập.
Trên đây là một số kinh nghiệm đi du lịch Quy Nhơn giúp ích phần nào cho các bạn trong việc tìm kiếm thông tin. Chúc các bạn sẽ có một chuyến du lịch bụi thật tuyệt vời tại Quy Nhơn.