Những địa điểm giao thoa giữa những yếu tố trái ngược

1. Nơi tiếp giáp giữa Đại Tây Dương và Biển Caribe


Eleuthera là một trong những hòn đảo nằm trong quần đảo ở Bahamas, khoảng 80 km về phía đông thủ đô Nassau. Vùng nước màu xanh lam nhạt yên bình của vùng biển Caribe ở phía tây hòn đảo tương phản hoàn toàn với màu nước xanh sẫm, sâu thăm thẳm của Đại Tây Dương ở phía bên kia, chúng được ngăn cách bởi dải đá rộng vẻn vẹn 10 mét có tên là Glass Window Bridge. Một trong những địa điểm ưa thích của khách du lịch khi muốn chiêm ngưỡng sự giao thoa của hai dòng nước chính là cây cầu Stamford.


Cầu Stamford nằm ở vị trí hẹp nhất của hòn đảo, là một nơi hiếm hoi để bạn có thể so sánh sự khác biệt giữa hai dòng hải lưu. Trong thế kỷ qua, cây cầu nối Bắc - Nam Eleuthera đã nhiều phen thăng trầm để trở thành đại danh nổi tiếng bậc nhất Bahamas. Vào những năm 1940, một cơn bão lớn đã đánh sập cây cầu tự nhiên vắt qua đây và người ta đã cho xây lại cây cầu khác bằng bê tông. Nhưng đến năm 1999 cơn bão Floyd đã xóa sạch dấu vết tồn tại của nó và các công nhân lại bận rộn trong việc củng cố lại bờ biển và trải một con đường nhựa đi qua vùng tiếp giáp. Tuy nhiên, hiện nay công trình này vẫn phải tu sửa do sự sói mòn khủng khiếp từ nước biển.


Khách du lịch được khuyến cáo thật sự cẩn thận khi ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên này vì những đợt sóng lớn thường đến bất ngờ xô vào vách đá có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì không có rạn san hô ngăn cản nên cường độ của những cơn sóng rất lớn dễ dàng cuốn tất cả xuống biển, tốt nhất khách du lịch nên ngồi trong xe để trải nghiệm cảm giác pha trộn giữa thích thú và sợ hãi. Đáng sợ như vậy, nhưng Eleuthera vẫn được nhiều người nhắc tới với cây cầu Glass Window Bridge.


2. Tepuis - Biên giới giữa trời và đất


Tên gọi đỉnh núi Tepuis có nghĩa là Nhà của các vị thần, nằm trên cao nguyên Guayana, Venezuela quanh năm bao phủ bởi lớp mây bồng bềnh, huyền ảo. Đỉnh cao nhất có độ cao 3000 mét, còn lại đều vượt qua khu rừng bên dưới hơn 1000 mét với các vách đá cheo leo, dựng đứng một cách hùng vĩ khó tin.

Kỳ quan Tepuis hình thành qua hàng triệu năm bởi quá trình xói mòi từ một cao nguyên sa thạch khổng lồ giữa biên giới phía bắc lưu vực sông Amazon và Orinoco, giữa bờ biển Đại Tây Dương và Rio Negro trong thời tiền sử.


Với độ cao khủng như vậy, Tepuis có khí hậu khác nhau khi đi từ dưới mặt đất lên tạo thành một hệ sinh thái cực kỳ đa dạng và phong phú với 2.322 loài thực vật quý hiếm, đặc hữu chiếm 1/3 số loài thực vật được ghi nhận trên thế giới.


Nếu ai đã từng xem bộ phim "Jack - đại chiến với người khổng lồ" chắc chắn còn nhớ những dòng thác đổ từ trên cao xuống thế giới loài người chắc chắn cũng đẹp và ấn tượng như ở Tepuis.


Ngôi nhà của các vị thần còn là địa điểm ưa thích của dân leo núi và du lịch bụi muốn chinh phục mọi vách đá dựng đứng đúng nghĩa để tim đến cảm giác mạnh trên khắp thế giới.


3. Khi tận cùng của sa mạc là...biển


Phía nam sa mạc Namib là thiên đường của các cồn cát cao nhất và ngoạn mục nhất trên thế giới đã tồn tại trên 80 triệu năm, trải dài như dải lụa từ màu hồng sang màu cam sống động. Và phía cuối của lụa cát là Đại Tây Dương mênh mông cuộn sóng. Vùng biển lạnh bỗng nhiên chắn ngang sự di chuyển của đụn cát sa mạc Namib là một trong những kỳ quan kỳ quái nhất, một bức tranh vẽ vô giá của tự nhiên.


Bờ biển trải dài hàng trăm dặm là nơi lý tưởng ngắm nhìn vẻ đẹp của sa mạc ở Swakopmund ở Namibia, thành phố ven biển lớn nhất của đất nước và là một thánh địa cho người dân Namibia nghỉ ngơi. Thành phố đông đúc, tấp nập mà xưa kia là thuộc địa của Đức lại càng khiến cho rìa sa mạc này trở nên trần trụi hơn bao giờ. Đến vói thành phố biển này, du khách tha hồ ngắm nhìn sự hoành tráng của sa mạc đẹp bạc nhất thế giới bằng máy bay rất chu đáo, tiện lợi.


4. Chuyện tình của lửa và băng


Hang động băng đá độc đáo này nằm trên bán đảo Kamchaka của Nga với chiều dài gần một cây số. Một dòng nước nóng chảy bên dưới các vùng đất lạnh giá trên sườn ngọn núi lửa Mutnovsky đã hình thành nên đường hầm có cấu trúc đẹp mắt này. Phần mái của hang động ngày càng mỏng hơn vì sự tan chảy của dòng sông băng trên núi lửa Kamchatka, mỗi khi được ánh mặt trời chiếu vào các khối băng trên mái hang bỗng trở nên lấp lánh lạ thường giống như ta đang bước vào một thế giới khác vậy.


Sự gặp gỡ giữa hai yếu tố đối lập băng và lửa đã tạo ra một kỳ quan độc nhất vô nhị nữ của thiên nhiên vùng bán đảo Kamchatka. Đây là địa điểm chỉ mới được phát hiện từ năm 1990 nên vẻ hoang sơ, nguyên thủy của hệ sinh vật xung quanh hang động vẫn được giữ gìn như ban đầu.


5. Điểm tận cùng của thế giới


Nằm ở miền nam rộng lớn của lục địa Úc Châu, đồng bằng Nullarbor được coi là mảnh đá vôi nguyên khối lớn nhất thế giới có diện tích 270.000 km vuông, kéo dài 1000 km từ đông sang tây. Những vách đá dựng đứng Bunda bẻ cong, uốn lượn và dừng lại đột ngột tại điểm tiếp giáp biển đã tạo ấn tượng mạnh về nơi giao hòa giữa trời và đất, nơi tận cùng thế giới.


Vốn có lượng mưa ít ỏi nên thực vật rất thưa thớt, hầu như vùng đất Bunda trống trải một cách kỳ lạ. Mặc dù vậy, nước mưa cũng góp phần hình thành nên những hang động, những hố sụt trên bề mặt khối đá vôi khổng lồ.


Mỗi vách đá đều có độ cao từ 60 - 120 mét với một đường viền phấn trắng dưới chân được gọi là đá vôi Wilson Bluff có nguồn gốc từ 65 triệu năm trước khi châu Úc bắt đầu tách khỏi Nam cực.


Để quan sát được sự hùng vĩ, bí hiểm của dãy đá Bunda, khách du lịch thường thuê trực thăng, máy bay mini hoặc đi dọc theo quốc lộ Eyre. Tại những điểm nghỉ chân, họ có thể may mắn được chứng kiến những chú cá voi đầu bò phương nam tới đây giao phối và sinh sản.