Về miền Tây



(Ghi lại chuyến đi miền Tây sông nước năm 2009)

... Sáng ngày chủ nhựt 28/2/2009, chúng tôi dậy sớm lúc 5 giờ để đem 2 vali lớn gởi lại ở khách sạn và lên đường với hai va li nhỏ chứa quần áo và đồ dùng cá nhân. Chúng tôi đi taxi đến điểm hẹn là góc đường Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi.

Đúng 6 giờ, đoàn khởi hành. Anh hướng dẫn viên giới thiệu mình tên Thuận còn bác tài tên Bình. Khách trong đoàn nầy chỉ có 10 người thuộc 5 gia đình. Toàn bộ là Việt kiều. Hai gia đình ở Bắc Cali, hai gia đình ở Nam Cali và một gia đình từ Montreal – Canada.

Xe ra khỏi Sài gòn theo hướng nam qua cầu Ông Lãnh. Hồi xưa, khu nầy còn rất hoang vu, bây giờ nhà cửa san sát. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi vào một đường thật rộng rãi. Đó là đại lộ Nguyễn văn Linh. Đường có sáu làn xe ở giữa và bốn làn xe gắn máy ở hai bên. Giữa đường là dãy phân cách trồng cây. Đường sá cũng tổ nhưng xe cứ chạy chậm chậm, từ từ. Bác tài sợ công an “bắn tốc độ”. Thôi như vậy cũng an toàn. Đi du lịch ở Việt Nam bạn chớ có sốt ruột. Tốc độ trung bình ở đây chỉ có 50 km/h mà thôi.



Hình chụp ở Mỹ? - không phải , ở Việt Nam, nhưng không nhớ rõ đoạn nào ở phía Nam Saigon

Thôi ta hãy ngắm cảnh hai bên đường. Phía nam là một khu nhà cao cấp thật đẹp. Đó là khu Phú Mỹ Hưng do người Đài Loan đầu tư xây cất. Một căn nhà trong đó giá trị có thể tới 500.000 – 600.000 đô la. Vậy mà đã bán hết rồi. Nghe nói đa số là người từ Miền Bắc vào mua mới lạ. Không biết tiền đâu mà họ có. Mấy người Việt kiều trong đoàn cứ thắc mắc như vậy vì chúng tôi tuy đi chơi thong thả nhưng chưa chắc ai đã có một số tiền mặt lớn như vậy. Thời buổi đổi thay, xã hội cũng có nhiều chuyện lạ.

Qua mấy chiếc cầu vòm thép khá đẹp, xe bắt vào đường quốc lộ 1 (tức quốc lộ 4 cũ) ở Bình Chánh để rẽ trái về Miền Tây. Đường về Miền Tây ngày nay khác hẳn. Hai bên nhà cửa san sát, tiệm quán rất nhiều. Do đó, đường nầy không thể mở rộng được nữa. Hiện đang có dự án làm xa lộ đi Miền Tây nhưng tuyến đường đi ngoài xa chớ không gần con đường hiện hữu. Gần 8 giờ chúng tôi tới một nhà hàng dọc đường ở Ngã Ba Trung Lương để ăn sáng và nghỉ ngơi đôi chút.

Nhà hàng có tên là Trạm Dừng Chân Mekong. Ở đây khách dừng chân rất đông nên có tới ba bốn cái nhà hàng to lớn xây dựng trong một khu đất rộng rãi. Đây là nơi mà hầu hết các xe đoàn du lịch đều ghé qua để nghỉ ngơi và ăn sáng. Điểm tâm thì có hủ tiếu Mỹ Tho hay cơm tấm sườn bì, uống cà phê sữa đá hay sử đậu nành ... Tới Mỹ Tho thì tôi ăn thử hủ tíu Mỹ Tho coi ngon dở thế nào té ra nơi đây người ta chế biến thức ăn theo lối công nghiệp nên ăn không ngon lắm và chắc bỏ bột ngọt hơi nhiều nên khi ăn xong cứ còn cảm giác hơi khó chịu ở cổ. Nhưng khu vườn xung quanh thì rất đẹp. Họ trang trí theo lối đồng quê Miền Tây. Trong vườn có sân cỏ, có ao sen, có xuồng ghe, có lưới cá, có cầu khỉ bắt ngang, có xe bò chở hoa ... Chúng tôi chụp khá nhiều hình ở đây và tấm nào in ra cũng đẹp.


Sân nhà hàng Trạm Dừng Chân Mekong



Cảnh đẹp ở nhà hàng …

Ăn sáng xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Qua khỏi Ngã Ba Trung Lương đường quốc lộ 1A chỉ còn hai làn xe. Chúng tôi đang qua vùng Cai Lậy, Cái Bè. Ở đây, tuy không thấy ruộng đồng mênh mông, cò bay thẳng cánh như mấy chục năm trước nhưng lại thấy những trạm thu mua gạo để xuất khẩu. Bây giờ nông dân làm ruộng trong vùng sâu, vùng xa. Dọc đường quốc lộ là nơi kinh doanh buôn bán hoặc là nơi thu mua lúa như ở đây.

Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi qua cầu Mỹ Thuận, một chiếc cầu treo do Úc giúp Việt Nam xây cất ngang qua sông Tiền. Cầu Mỹ Thuận dài tổng cộng 1535 mét. Nhịp giữa là cầu treo dây thẳng với hai trụ cao 116,5 mét. Móng cầu đóng sâu tới 90 mét trong lòng đất. Kết cầu cầu thanh mảnh, mỹ thuật. Cầu nầy xây xong giúp cho chúng ta không phải tốn nhiều thì giờ để chờ phà. Miền Tây đầy sông rạch. Sông nào cũng rộng và sâu. Hiện nay cần rất nhiều cầu để giao thông được thuận tiện. Cầu Mỹ Thuận xây xong giúp thu ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá từ Miền Tây về Sài Gòn. Mới đây, cầu Rạch Miễu ở Bến Tre cũng mới xây xong. Còn cầu Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn thành. Người dân miền đồng bằng rất cần cầu để phát triển kinh tế. Thảo nào khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, hàng trăm ngàn người đã kéo tới xem như một hiện tượng lạ lùng đầy thán phục.

Qua khỏi cầu là một ngả ba. Hướng đông đi về Vĩnh Long. Xe chúng tôi quẹo phải về hướng tây. Đây là quốc lộ 80. Nhiều đoạn trên quốc lộ nầy đang được sửa chửa nên hơi bụi bậm, dơ dáy. Lúc nầy xe chạy song song một con kinh rộng lớn. Đây là Nha Mân một nơi sản xuất nhiều gạch ngói cho vùng đồng bằng. Bên đây sông có những vựa gạch liên tiếp. Bên kia sông là những lò gạch. Ghe thuyền trên sông tấp nập. Vùng nầy trông thật trù phú.

Sau Nha Mân là Sa Đéc nơi cái tên nổi tiếng không phải vì bất cứ một nông hải sản nào mà lại nhắc người ta nhớ đến một nghệ sĩ đã mất. Đó là Bà Năm Sa Đéc, vợ sau của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển. Trước 1975 Sa Đéc là một tỉnh. Hiện nay Sa Đéc là một thị trấn của tỉnh Đồng Tháp. Thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp nằm bên kia sông: đó là thị trấn Cao Lãnh. Tuy không còn chiếm vị trí quan trọng nữa trong quy hoạch về hành chánh, Sa Đéc vẫn là một thị trấn đông đúc, sầm uất. Nhà cửa ở đó trông khang trang, sạch sẽ làm cho khách lạ có cảm giác rằng đây là một vùng trù phú, dễ sinh sống.

Qua Sa Đéc chừng hơn 10 km, xe dừng lại ở một khu nghỉ ngơi bên đường để chúng tôi đi vệ sinh và mua nem, trái cây ... Khu nầy thấy bảng đề tên Út Thẳng. Ở đó có bán nem Lai Vung với giá 10.000 đồng một chục loại thường và 25.000 đồng một chục loại ngon. Xoài thì người ta quảng cáo là xoài cát Hoà Lộc và bán 15.000 một ký còn nhãn hột tiêu giá 18.000 một ký. Có lẽ dọc đường thiếu nơi nghỉ ngơi như vầy nên nơi đây thật đông vì xe nào đi ngang đây cũng ghé. Hành khách vào nghỉ ngơi, ăn sáng, mua hàng ... thật náo nhiệt. Người nào có sáng kiến và có khả năng mở một chỗ dừng chân như vậy thật giỏi và chắc chắn kiếm tiền vô như nước.



Nem chua đây …

Rời trạm nghỉ chân, chúng tôi tiếp tục lên đường đến phà Vàm Cống. Tôi tưởng như trước đây, mỗi khi đến bến phà là phải chờ đợi lâu lắc lắm. Té ra, phà chạy liên tục, chiếc nầy ra là chiếc kia vô liền nên hôm nay chúng tôi không phải chờ đợi gì hết mà lên phà qua sông liền. Nhiều người cho biết hôm nay chưa tới cao điểm ngày vía bà Chúa Xứ Châu Đốc. Gần tới ngày đó xe tới nhiều phà chạy không kịp thì kẹt phà cũng lâu lắm.

Phà Vàm Cống chạy ngang qua sông Hậu nối liền Sa Đéc với Long Xuyên. Hai đầu bến phà có bán đủ thứ đồ ăn, trái cây, coi cũng hấp dẫn ... nhưng chúng tôi không có thì giờ nhiều để la cà nơi đây mà tiếp tục lên xe để về Long Xuyên ăn trưa vì bây giờ cũng gần 12 giờ trưa rồi. Đoạn đường từ bến phà Vàm Cống về Long Xuyên rộng rãi với 4 làn xe. Ở giữa là giãi phân cách trồng cây xanh. Hai bên đường nhà cửa phố xá san sát. Nhà nào cũng hai ba tầng. Gần 4-5 cây số như vậy cho thấy Long Xuyên là một thành phố giàu có. Thật vậy, ở Miền Tây, Long Xuyên là thành phố lớn thứ hai sau Cần Thơ.



 
Phà Vàm Cống

Long Xuyên là thủ phủ của tỉnh An Giang, một tỉnh xưa của miền Nam nước Việt. Long Xuyên ngày xưa còn có tên là Đông Xuyên, thuộc vùng Tầm Phong Long của Chân Lạp và chánh thức thuộc về Việt Nam sau khi vua Chân Lạp là Nặc Tôn trao tặng cho vua Minh Mạng năm 1832 để trả công Việt Nam giúp đưa ông ta về nước làm vua. Sau nầy do đất đai mầu mở còn hoang vu nên dân Miền Trung (Ngũ Quảng) kéo vào khai phá vùng đất mới nầy. Một trong những người có công mở mang và bảo vệ bờ cỏi vùng Long Xuyên, Châu Đốc là ông Nguyễn văn Thoại tức Thoại ngọc Hầu, lăng mộ của ông hiện còn ở Núi Sam – Châu Đốc.



Long Xuyên

Từ Long Xuyên về vùng Thất Sơn kỳ bí là nơi xuất phát đạo Phật Giáo Hoà Hảo. Có thời số tín đồ của đạo nầy lên tới 1,5 triệu người.

Long Xuyên hiện giờ có chừng 350.000 dân cư. Họ sống bằng nghề nông, nuôi cá bè, chăn nuôi gia súc, thương mại. Kỹ nghệ còn ít chủ yếu là chế biến nông, thuỷ sản để xuất cảng. Ngoài ra, nơi đây hiện có nhiều ngành nghề truyền thống như: se nhang, làm bánh tráng, làm lưỡi câu, làm dầm chèo, đan dát, chằm nón, dệt, đóng xuồng ghe, làm cẩm thạch v.v... Ở Long Xuyên có trường Đại Học An Giang là trường đại học thứ hai sau Đại Học Cần Thơ ở Miền Tây. Có câu hò khen sự trù phú của Long Xuyên như sau:

Hò ơ...Long Xuyên nước ngọt gió hiền

Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang.

Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,

Tiếng rao lãnh lót nhịp nhàng chèo khua...

Chúng tôi đến Long Xuyên vào giữa trưa nên Thuận đưa đoàn ghé khách sạn Đông Xuyên, một khách sạn lớn cỡ ba sao ở đây để ăn trưa. Đây là bữa ăn trưa đầu tiên của đoàn. Bữa ăn trưa dọn trên lầu hai của khách sạn gồm các món cá hấp bầu để cuốn bánh tráng và khô cá tra chiên, canh gà nấu lá vang ... Món ăn thì không tệ nhưng có một điều lạ là Miền Tây là vùng đất xuất cảng gạo nhưng các bữa cớm từ hôm nay cho tới ngày về đều được nấu bằng những loại gạo không ngon lắm. Cơm cứng và khô, thua xa cơm nấu bằng gạo Ông Địa của Thái Lan mà chúng ta hay mua ăn ở hải ngoại. Một điều làm tôi ngạc nhiên nữa là khách sạn thì to lớn mà hôm nay chỉ có duy nhứt một đoàn khách là chúng tôi đến ăn trưa. Cả chục bàn khác còn trống trơn. Tại vì nơi đây nấu dỡ (?), giá mắc (?), hay tại kinh tế suy thoái, không có du khách ?

Ăn trưa xong, chúng tôi tiếp tục lên đường Tây tiến. Bầy giờ chúng tôi đang trên quốc lộ 91 hướng về Châu Đốc, nơi sẽ dừng chân tối nay. Lúc nầy là 2 giờ trưa, trời nắng chan hoà. Từ Long Xuyên về Châu Đốc đường dài khoảng 54 km. Đây là đoạn đường nằm song song bờ sông Hậu về phía nam và là biên giới của một vùng trũng gọi là Tứ Giác Long Xuyên. Bốn đỉnh của vùng trũng nầy là Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên và Rạch Giá. Trong vùng trũng nầy, về mùa lũ, nước dâng mênh mông. Người dân phải sống chung với lũ. Nhưng cũng nhờ lũ mà họ có nhiều thuỷ sản, có phù sa làm phân bón tự nhiên. Gần tới Châu Đốc, đường được mở rộng bốn làn xe. Bên phải của con đường là những nhà sàn. Sàn nhà ngang với mặt đường. Còn mặt đường cao hơn mặt sông khoảng 4 mét. Lúc nầy là mùa khô, dưới sàn trổng rỗng, nhưng Thuận cho biết vào mùa lũ, nước sẽ dâng cao gần mặt sàn nhà. Có một cổng chào to lớn làm ngang đường. Chúng tôi đã tới Châu Đốc, một huyện của An Giang nổi tiếng nhờ Chùa Bà Châu Đốc.
Xem thêm: