Thưởng thức đặc sản xứ Tây Đô

Đến Cần Thơ, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều những đặc sản như: bánh cống, cháo cá lóc, bánh xèo... Tất cà đều mang hương vị đặc trưng của xứ Tây Đô này.

Bánh cống Cần Thơ

Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống.


Bánh cống được làm bằng bột gạo. Gạo lúa mùa được ngâm qua hai đêm rồi mới đem xay, sau đó bồng trong túi vải cho bớt nước, rồi tùy gạo mà người ta sẽ pha nước muối loãng ngâm thêm bột qua một hai đêm nữa cho bột thật đậm đà rồi mới sử dụng. Đây là chi tiết "đắt" nhất để cho ra thành phẩm nổi bật. Sau đó, bột gạo đem trộn với đậu xanh hột, tôm thịt băm...


Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên dòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.

Bánh xèo

Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt…


Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, thực khách có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.


Nếu như ở tại Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” thì tại thành phố Cần Thơ “trù phú” này, người yêu cải lương có thể được thưởng thức hàng ngày vào các buổi tối qua các nhà “vườn” được kết hợp cùng món ăn đặc sản “Bánh xèo” của vùng quê Nam Bộ. Còn gì thú vị hơn khi ta được thưởng thức hương vị thơm ngon của miếng “bánh xèo” còn đang nóng hổi, bên ly rượu nồng…

Cá lóc nướng trui

"Không có gì ngon bằng cơm với cá,
Không có tình nào bằng má với con."


Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam - với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức nó.


Cá lóc nướng phải đợi đến sau mùa nước nổi, khi những cơn mưa dầm chỉ còn là những cơn gió bấc lao xao về thì cá mới ngon và bắt đầu mập ra. Người sành ăn lựa cá lóc cỡ cườm tay để cá có thể chín đều khi nướng ( Lấy một thanh tre, đâm xuyên thanh tre từ đầu cá đến tận đuôi cá - Cắm thanh tre xuống đất để đầu cá hướng xuống, chất rơm rạ xung quanh, đốt lủa nướng cá đến khi tàn rơm thì cá chín).


Trước đó chuẩn bị sẵn lá sen, lá chuối... làm mâm đặt cá chín lên. Dùng cá với các loại rau sống chấm muối hột đâm nhỏ với ớt hiểm, ớt sừng trâu hoặc pha nước mắm tỏi ớt, công phu hơn thì làm chén mắm nêm... Ăn món này người ta thường thích dùng tay để bốc mới cảm nhận hết vị hương đồng dân dã...

Cháo cá lóc rau đắng




Ðể nồi cháo riu riu rồi gắp nguyên liệu bỏ vào nồi. Chờ cho vừa chín tới gắp ra chén, gắp rau, cá, chấm với nước mắm nhĩ Phú Quốc, chậm rãi thưởng thức, nhấm nháp cùng với ly rượu đế trắng ngà thơm mùi gạo mới... Thuận tay bạn lấy hột gà đập bỏ vào nồi...


Thịt cá lóc rất ngon lại bổ, rau đắng đất, rau tai tượng, vừa chín tới nhai giòn ràu rạu cùng với cháo. Thưởng thức món này cho ta cảm giác thích thú, lạ lẫm bởi vừa ngọt, vừa bùi, vừa béo, nóng hôi hổi... hòa quyện vào vị nồng ấm của tiêu, gừng bảo đảm bạn sẽ xua tan ngay nỗi mệt nhọc đường xa.


Chè bưởi Cần Thơ

Chè bưởi có mặt đã lâu, là món tráng miệng vị ngọt nổi tiếng khắp đồng bằng Nam Bộ cùng thời với món nem chay cũng làm bằng vỏ bưởi.


Người ta lấy vỏ bưởi gọt bỏ lớp vỏ xanh, nhồi nước muối cho hết vị the sau đó thái nhỏ thành hình sợi, vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai, đưa vào nấu với nước đường tinh, chốc sau đã thành nguyên liệu cho món chè mà chỉ Cần Thơ mới có.


Trên cùng, chè được phủ bằng một lớp nước cốt dừa sệt thơm mùi vani. Gạt lớp đó sang bên, lẫn trong nước đường pha bột mì tinh đặc và trong suốt là đậu xanh đãi vỏ thật khéo, khéo đến mức đậu nhừ mà vẫn nguyên vẹn hình hài, vàng sáng.


Ăn chè bưởi, thực khách sẽ thầm biết ơn bàn tay vén khéo và mẫn cảm của những người phụ nữ miệt vườn Nam Bộ, những người tạo nên giây phút thăng hoa khi hương vị một vùng đất thấm qua lưỡi đến tận hồn người.