Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt BangKok - Thái Lan

Nếu bạn đi du lịch Thái Lan chắc chắn phải ghé thăm Bangkok rồi mới ghé qua các địa điểm khác. Bangkok vừa mang nét truyền thống, cổ kính vừa mang nét hiện đại, sôi động. Đến đây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi các đền chùa, cung điện nguy nga, tráng lệ; tha hồ mua sắm ở khu chợ nhộn nhịp hay thoải mái vui chơi tại công viên giải trí.
Kinh nghiệm du lịch Thái Lan
BangKok thủ đô Thái Lan


Bangkok hay Băng Cốc là thủ đô và thành phố lớn nhất của Thái Lan. Thành phố nằm ở toạ độ 13°45′ Bắc và 100°31′ Đông, ở hữu ngạn sông Chao Phraya.

Bangkok là thành phố có tốc độ phát triển về kinh tế rất nhanh ở vùng Đông Nam Á, có thể ngang hàng với Hồng Kông và Singapore. Đây cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Bangkok cũng là nơi nổi tiếng với nhiều đồ đạc hàng hoá giá rẻ.


Đến BangKok khi nào


- Bạn nên đi du lịch Thái Lan từ tháng 11 tới tháng 2 vì thời tiết lúc này rất mát mẻ, dễ chịu. Tuy vậy, thời điểm này rất đông khách và giá cả tăng cao. Hoặc bạn có thể đi vào tháng 10 hoặc tháng 3, thời tiết tương đối dễ chịu và chi phí sinh hoạt, giá vé tại các điểm du lịch không quá cao.

- Nếu đến Thái trong khoảng tháng 10 tới tháng 4, bạn sẽ được tham dự hai lễ hội lớn đó là Lễ tình nhân của người Thái tổ chức vào tháng 12 âm lịch và Tết cổ truyền Songkran vào giữa tháng 4.


Phương tiện đến Bangkok


Máy bay:


- Nhiều hãng hàng không có chuyến bay từ Việt Nam sang Bangkok, giá vé khứ hồi như sau:

+ Tuyến Hà Nội – Bangkok: 4 đến 9 triệu VND (Vietnam Airlines), 3 đến 5 triệu VND (VietJetAir), 4 đến 8 triệu VND (Air Asia)
+ Tuyến Sài Gòn – Bangkok: 4 đến 10 triệu VND (Vietnam Airlines), 3 đến 4 triệu VND (VietJetAir), 3 đến 5 triệu VND(Air Asia), 5 đến 7 triệu VND (JetStar)

- Vé máy bay giá rẻ hiện giờ rất nhiều hãng cung cấp. Các bạn có thể chọn Air Asia (www.airasia.com) hoặc Nok Air (www.nokair.com), càng đặt sớm vé càng rẻ. Đặt online rẻ hơn đặt tại phòng vé rất nhiều, nhưng muốn đặt online thì phải có thẻ tín dụng (tốt nhất là Visa credit card) hoặc thẻ debit. Giá vé khoảng từ 80$-160$/người khứ hồi, tùy thời gian và tùy hãng. Nếu đi máy bay giá rẻ, các bạn nhớ mang theo ít đồ ăn vì trên máy bay không có suất ăn đâu ạ (thực ra họ không cho phép ăn đồ mà mình mang theo, nhưng nếu mình giở ra ăn rồi thì họ cũng chả nói gì đâu).

+ Nếu đi máy bay giá rẻ, các bạn nên lưu ý ra sớm mà xếp hàng để được chọn chỗ ngồi trước, vì trên máy bay và trên vé không có ghi số ghế, lỡ phải ngồi ở đuôi máy bay thì sẽ mệt hơn. Một lưu ý quan trọng khác là kích thước hành lý và tiền quá cước. Mỗi vé chỉ được 15kg hành lý gửi và 2 túi xách tay theo người thôi (túi xách tay không hạn chế kg, chỉ hạn chế kích thước, vì vậy cái gì nặng thì nên cố gắng xách tay để đỡ phải chịu phí quá cước).
+ Bạn nên đặc biệt theo dõi giá vé của Air Asia vì hãng hàng không này thường xuyên có những chương trình khuyến mãi giá vé rất hấp dẫn cho các chuyến bay đến Bangkok.

- Ngoài ra còn có các hãng máy bay khác:

+Thai Airways
+ Lufthansa
+ TurkishAirlines


Di chuyển từ sân bay về BangKok


Sân bay Suvarnabhumi: có 3 cách chủ yếu để di chuyển giữa sân bay Suvarnabhumi và khu vực trung tâm Bangkok

- Cách thứ nhất: Airport Rail Link

Đây là tuyến tàu điện đặc biệt chạy đưa khách từ Suvarnabhumi về Bangkok và ngược lại, hoạt động từ 6 giờ sáng đến nửa đêm. Có 2 tuyến chạy thẳng gọi là SA Express với thời gian di chuyển giữa 2 địa điểm là từ 15 đến 18 phút, giá vé 1 chiều là 150 baht. Ngoài ra còn có tuyến City Line chạy chậm hơn, dừng ở 6 trạm trên hành trình nhưng tổng thời gian di chuyển cũng chỉ có 30 phút, giá vé một chiều là 45 baht; nếu bạn không muốn đi đến trạm cuối cùng thì giá vé là 15 baht cho mỗi trạm.


Hai tuyến Express của Airport Rail Link lần lượt đưa bạn thẳng đến trạm tàu điệm ngầm MRT Phetchaburi Station (Makkasan City Interchange Station) và trạm tàu điện trên không Skytrain BTS Phayathai Station. Còn tuyến City Line đi qua 6 trạm, đưa bạn đến trạm cuối là BTS Phayathai Station.

Khi ra khỏi khu hải quan ở sân bay Suvarnabhumi, đi xuống tầng hầm (basement level dưới tầng 1) để tìm thấy trạm Airport Rail Link và mua vé ở đó.

- Cách thứ hai: Taxi

Taxi chạy từ Suvarnabhumi về Bangkok hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Khi đi taxi, bạn sẽ trả các khoản phí sau: tiền boa cho tài xế khoảng 50 baht, tiền phí đường bộ và tiền taxi hiện trên máy hiển thị đặt ở phía trước tài xế. Cộng các khoản này lại, bạn cần phải trả từ 350 đến 400 baht cho một chuyến taxi 40 phút từ Suvarnabhumi về trung tâm Bangkok. Tuy nhiên, hãy tính toán thời gian rộng rãi vì ở Bangkok rất thường xảy ra tình trạng kẹt xe.

Trạm bắt taxi nằm ở cổng Entry Level 4 ở tầng 1 của sân bay Suvarnabhumi.

- Cách thứ 3: Xe bus

Tuyến xe bus chạy thẳng không dừng từ Suvarnabhumi về Bangkok không còn hoạt động nữa, nên bạn chỉ có thể sử dụng một trong các chuyến xe bus thông thường. Thời gian hoạt động của các chuyến xe bus là từ 4, 5 giờ sáng đến 10, 11 giờ tối. Tổng cộng có 11 tuyến chạy đến Bangkok và những khu vực kế cận, trong đó có 2 tuyến đặc biệt thuận tiện là:
+ Tuyến số 551 – Sân bay Suvarnabhumi – Victory Monument
+ Tuyến số 552 – Sân bay Suvarnabhumi – Trạm Skytrain On Nut BTS Station


 Các tuyến trên mất khoảng 1 giờ đồng hồ để đến trạm cuối ở nội thành Bangkok. Ngoài ra còn có tuyến chạy từ Suvarnabhumi sang sân bay nội địa Don Muang phục vụ cho những du khách có nhu cầu di chuyển sang các tỉnh khác của Thái Lan bằng hàng không giá rẻ:
+ Tuyến số 554 – Sân bay Suvarnabhumi – Sân bay Don Muang

 Bạn cũng có thể bắt chuyến shuttle bus miễn phí nằm giữa cổng 2 và 3 (tầng 2 của sân bay Suvarnabhumi) để đến sân bay Don Muang. Chú ý là nếu muốn lên chuyến shuttle bus này bạn phải thủ sẵn vé cho chuyến bay ở Don Muang.

Giá vé xe bus dao động từ 24 đến 70 baht, tùy vào loại xe (public bus hay public van) và trạm bạn sẽ dừng. Để đón các chuyến xe bus này, bạn cần phải bắt một chuyến shuttle bus ở tầng 2 (cổng số 5) hoặc tầng 1 (cổng số 3 và 8) để đi đến Public Transport Center và bắt xe bus từ đó.

Các cách khác:

Ngoài ra còn có các loại xe limousine và dịch vụ trung chuyển của sân bay. Tuy nhiên các dịch vụ này sẽ tốn của bạn kha khá, khoảng 900 baht trở lên cho 1 chiều giữa Suvarnabhumi và Bangkok. Để sử dụng các dịch vụ này, chỉ cần tìm đến các trạm đăng ký ở sảnh đến của tầng 2.

Sân bay Don Muang

Cách thứ nhất: Taxi

Taxi là cách tiện lợi nhất để di chuyển từ sân bay Don Muang về Bangkok. Ở Don Muang, bạn có thể phải xếp hàng khá lâu để bắt được một chiếc taxi. Sân bay Don Muang cách Bangkok khoảng 24 km, và taxi chạy quãng đường này mất 30 phút đến 1 tiếng tùy vào tình hình tắc đường. Bạn sẽ phải trả từ 400 đến 350 baht (cộng thêm khoản phí sân bay 50 baht) cho một chuyến taxi như vậy. Đón xe taxi ở sảnh đến khách quốc tế và nội địa ở sân bay Don Muang. 

Cách thứ hai: Xe Bus

Có nhiều tuyến xe bus từ Don Muang vào trung tâm Bangkok, tuy nhiên nên nhớ rằng ở Bangkok rất thường xảy ra tắc đường, nhất là ở khu vực trung tâm vào giờ cao điểm. Do đó, cách tốt nhất là kết hợp xe bus và tàu điện trên không Skytrain. Bắt xe bus tuyến A1 hoặc A2 (giá vé 30 baht) tại sân bay Don Muang để đi đến Mo Chit. Tại đây bạn chuyển sang dùng BTS Skytrain từ trạm Mochit Station đến khu Siam và các khu vực trung tâm khác. Lưu ý là nếu bạn có nhiều hành lý thì việc di chuyển chúng lên trên trạm Skytrain trên cao sẽ là một vấn đề lớn. Trong trường hợp đó, hãy cứ ngồi trên xe bus đến trạm cuối cùng là Ga xe bus Đông Bắc, tại đây bạn có thể bắt taxi đi về trung tâm.

Các chuyến bus A1 và A2 chạy từ 8:30 sáng đến 11:30 tối, mất khoảng 60 đến 80 phút để đến Bangkok. Bắt xe bus ngay tại cổng ra của sảnh đến.

Cách thứ ba : Xe lửa

Xe lửa chạy tuyến từ Don Muang đến trạm tàu điện ngầm MRT Hua Lam Phong ở gần khu phố Tàu Chinatown của Bangkok. Tuy nhiên, xe lửa chạy rất chậm và đông đúc nên phương tiện này không được ưa chuộng lắm đối với du khách.


Di chuyển trong nội thành Bangkok:


1. Skytrain BTS: tiếng Thái: Rot fai fa (xe điện trên cao)



BTS là hệ thống xe điện trên không, gọi là Skytrain, ở Bangkok. Đây là phương tiện di chuyển cực kì thuận tiện và nhanh chóng tại thành phố này. Có hai tuyến đường BTS là tuyến Silom và Sukhumvit: tuyến Silom chạy ngang khu vực trung tâm (Siam) và phía Tây Nam thành phố (Chong Nonsi), còn tuyến Sukhumvit chạy ngang khu vực phía Bắc (Chatuchak – Mochit), trung tâm (Siam) và phía Đông Nam thành phố (Sukhumvit – On Nut).

Giá vé lẻ từ 10 baht đến 52 baht tùy vào điểm đến của bạn. Nếu bạn có ý định sử dụng Skytrain làm phương tiện chính để di chuyển trong nội thành Bangkok thì nên mua loại one day pass với giá 130 baht, có thể dùng số lần vô hạn trong một ngày. Bạn có thể đổi tiền xu ở quầy phục vụ ngay trước soát vé ở mỗi trạm và mua vé qua máy tự động gần đó. Khi đi qua cổng soát vé, nhẹ nhàng đưa thẻ vào khe. Máy sẽ tự động nuốt vé, mở cổng và trả lại vé cho bạn ở một khe khác. Nhanh chóng lấy vé và đi qua trước khi cổng khép lại.

2. MRT: tiếng Thái: Rot fai tai din (tàu điện ngầm)

MRT là hệ thống tàu điện ngầm ở Bangkok, chạy 1 tuyến duy nhất nối giữa Bang Sue ở phía Bắc (gần công viên Chatuchak), khu Sukhumvit, khu Silom và trạm Hua Lamphong gần khu phố Tàu. Vé lẻ có giá từ 16 đến 40 baht, tùy vào số trạm bạn sẽ đi qua. Lưu ý vé lẻ này có dạng một đồng xu bằng nhựa, mua được từ các máy bán vé tự động ở mỗi trạm. Khi soát vé, bạn chỉ cần đặt đồng xu lên bộ phận cảm ứng, cửa sẽ tự động mở. Hãy cầm lấy đồng xu và đi qua, vì bạn sẽ còn cần phải nộp lại đồng xu ở trạm bạn muốn đến.

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua các loại vé đi vô thời hạn trong một khoảng thời gian nhất định tại phòng vé vào giờ hành chính. Vé một ngày one day pass giá 120 baht; vé 3 ngày 3-day pass giá 230 baht; vé 30 ngày 30-day pass giá 1400 baht.


3. Tuk tuk: tiếng Thái: Sam lor (xe ba bánh)



Tuk tuk là phương tiện di chuyển rẻ và có mặt khắp mọi nơi ở Bangkok. Trải nghiệm đi tuk tuk chắc chắn sẽ khiến bạn không bao giờ quên bởi vận tốc nhanh bất ngờ của loại phương tiện này trên những con phố lúc nào cũng đông đúc của Bangkok. Khi đi những quãng đường ngắn, tuk tuk có lợi hơn hẳn so với taxi cũng vì khả năng luồn lách tài tình của các bác tài. Nếu bạn chỉ có ý định đi các khu như Siam, Silom, Sukhumvit và Chatuchak thì BTS và MRT đã đáp ứng nhu cầu đi lại rất tốt.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn đi xa hơn đến những khu vực như khu phố Tây Khao San, khu phố Tàu Chinatown hay các địa điểm khác dọc bờ sông thì tuk tuk là một trong những lựa chọn tốt hơn.


Về giá cả, với một chuyến tuk tuk khoảng 5 phút, bạn có thể trả 30 baht. Hãy luôn luôn trả giá trước khi lên xe. Việc trả giá khá linh động, nhưng chúng tôi khuyên bạn hãy trả giá thấp hơn khoảng 15 đến 20 baht giá mà tài xế đưa ra. Nếu muốn trả giá “cứng” hơn có thể giảm khoảng 25% đến 50% số tiền, đặc biệt với những quãng đường dài và cái giá đưa ra ban đầu khá cao (từ 300 baht trở lên).

4. Taxi 

Taxi là phương tiện khá phổ biến ở Bangkok và đặc biệt thuận tiện với những khu vực của Bangkok mà hệ thống BTS và MRT không bao phủ hết như khu Đông Bắc, Tây Bắc (khu phố Tàu và khu phố Tây) cùng với một số địa điểm phía Nam.


Giá hiển thị khi bắt đầu trên taxi là 35 baht, và giá này sẽ giữ nguyên trong 2 km đầu tiên. Sau đó, cứ mỗi km sẽ tăng lên khoảng 5 baht. Trong lúc tắc đường, sẽ có phụ phí khoảng 1.25 baht cho mỗi mét di chuyển được. Nhìn chung, nếu bạn đi khoảng 3 km bằng taxi thì chỉ phải trả khoảng 50 baht (không cần phải cho các bác tài tiền boa).

Có một số điểm cần hết sức lưu ý khi đi taxi ở Bangkok:


- Không bao giờ chấp nhận taxi với giá thỏa thuận. Tất cả taxi ở Bangkok đều được yêu cầu phải có máy hiển thị khoảng cách và giá tiền, đồng thời mọi hành vi thỏa thuận giá taxi đều là trái luật pháp Thái Lan. Hãy chỉ đồng ý đi những chiếc taxi có mở máy hiển thị giá tiền. Nhớ đem theo nhiều tiền lẻ vì bác tài có thể sẽ không hoàn lại tiền dư cho bạn.

- Không bao giờ bắt taxi đỗ sẵn ở trước khách sạn, các khu du lịch, điểm tham quan hay trung tâm mua sắm. Hầu hết các taxi này sẽ cố thỏa thuận giá với bạn thay vì tính tiền theo máy đo. Hãy cố gắng bắt taxi đang chạy trên đường.

- Các bác tài taxi không biết hết mọi ngõ ngách của thành phố, và cũng không giỏi tiếng Anh. Hãy nhờ nhân viên khách sạn viết địa chỉ khách sạn hoặc nơi bạn cần đến vào một mảnh giấy bằng tiếng Thái để dễ dàng truyền đạt thông tin cho bác tài.

- Những lúc trời mưa hay kẹt xe, sẽ vô cùng khó khăn để bắt được một chiếc taxi. Thậm chí, nếu đoạn đường bạn muốn đi cắt ngang qua những điểm tắc đường phổ biến, tài xế có thể từ chối không chở bạn. Do đó, cũng giống như tuk tuk, tốt nhất là đừng bao giờ sử dụng taxi vào giờ cao điểm, ở những khu dân cư và xe cộ đông đúc.

- Ngoài hệ thống taxi đường bộ, tại Bangkok còn có taxi tàu trên sông chạy trên sông Chao Phraya, taxi thuyền dọc theo kênh Saen Saep.


5. Xe bus

Có rất nhiều loại xe bus ở Bangkok, mỗi loại chạy một tuyến đường khác nhau nên bạn có thể đi đến bất cứ đâu nếu sử dụng loại phương tiện giao thông công cộng này. Tuy nhiên, dịch vụ xe bus không được tốt lắm, và hầu hết các bảng thông tin trên xe bus đều bằng tiếng Thái nên du khách nước ngoài khó lòng biết biết được nên bắt loại xe bus nào. Hãy lấy bản đồ tuyến xe bus BMTA bus map tại các nhà chờ xe bus.

Lưu ý là chỉ lên xe bus có số và màu đúng với chỉ dẫn trong bản đồ vì xe bus cùng số nhưng khác màu có thể đi theo tuyến đường khác. Giá xe bus dao động từ 7 baht đến 22 baht tùy vào quãng đường và loại xe. Xe EURO II (màu vàng cam) là tiện nghi nhất với dịch vụ tốt và máy điều hòa còn mới.


6. Tàu, thuyền

Đến Bangkok mà không đi tàu, thuyền một lần thì thật là đáng tiếc. Hệ thống sông, rạch tại Bangkok rất sầm uất. Tàu, thuyền sử dụng thì rất đa dạng, từ những con tàu lớn sang trọng cho đến những chiếc thuyền nhỏ. Đi bằng tàu, thuyền du khách có thể đi qua nhiều điểm tham quan nổi tiếng tại đây như Grand Palace, Wat Arun (Temple of the Dawn)... Tại Bangkok có rất nhiều hãng tàu phục vụ nhau cầu đi lại của du khách như Chao Phraya Express Boat, Saen Saep Express Boat... du khách cũng có thể thuê thuyền của người dân địa phương để đi lại (thỏa thuận giá cả trước).


7. Xe ôm

Một phương tiện tiện lợi, giúp du khách có thể đi vào từng con hẻm nhỏ tại Bangkok, cũng có thể không phải chịu cảnh tắc đường gây khó chịu. Tuy nhiên đây cũng là phương tiện khá nguy hiểm với du khách. Nhiều tài xế xe ôm dám chạy lên vỉa hè, chạy ngược chiều, chạy nhanh..


Lưu ý: Các tài xế xe ôm tại Bangkok rất dễ dàng nhận biết. Đồng phục của họ thường có màu cam rất nổi bật. Họ thường tập trung tại các góc đường.

8. Thuê xe

- Xe máy: Bạn có thể thuê xe máy ở những cửa hiệu chuyên cho thuê xe trong thành phố. Nhớ trả giá rõ ràng trước khi xuất phát. Luật Thái Lan yêu cầu người lái và người sau xe đều đội mũ bảo hiểm.
- Ô tô: Khách du lịch có thể thuê xe tự lái hoặc thuê xe trọn gói (có tài xế), lời khuyên với du khách Việt Nam là không nên thuê xe tự lái vì bằng lái xe ô tô của Việt Nam không được. 

Đặt phòng khách sạn


- Hai kênh đặt phòng cũng như tham khảo giá phòng uy tín là trang Agoda.com và trang http://hotels2thailand.com/bangkok-hotels.asp (trang này thì chuyên land tour giá rẻ, ai đặt tour quen qua đây rồi thì chắc đặt phòng cũng ok).
- Việc chọn khách sạn, bạn nên chọn những chỗ ở gần nơi công cộng để dễ đi lại. Ở Bangkok tình trạng kẹt xe là thường xuyên. Vì vậy đa số mọi người khuyên ở những nơi gần line BTS. Một số khu vực nên ở, phân theo mục đích và sở thích của bạn.
- Khu Khao San Road – là khu phố Tây, ồn ào, náo nhiệt, gần Hoàng Cung. Nhưng là khu Bangkok cũ, không có các phương tiện đi lại công cộng. Tìm hiểu thêm các khách sạn gần đường Khao San...
- Khu Sukhumvit / Siam – là khu tập trung các shopping mall, khu trung tâm giải trí cao cấp, là trục đường chính của các loại phương tiện công cộng như TBS, MRT.
- Khu Pratunam: là khu chợ sỉ bán quần áo, phụ kiện… phù hợp với những bạn thích shopping hoặc đi buôn hàng. Tham khảo một số khách tại khu Pratunam
- Khu Chinatown gần khu Khao San Road, nên về vị trí cũng tương tự. Nghĩa là nằm ở khu Bangkok cũ, không gần các trạm tàu hay phương tiện công cộng. Nhưng bù lại có đồ ăn ngon.


Đổi tiền


Nên chuẩn bị sẵn tiền USD khi đi Thái. Các bạn có thể đổi tiền ở Việt Nam sau đó qua Thái đổi tiền Bath Thái để xài. Tiền Việt mình vẫn có thể đổi tiền Thái nhưng sẽ mất tỷ giá và thiệt cho mình, tốt nhất nên mang tiền USD. Khi đổi tiền không nên đổi nhiều, chỉ đổi lượng vừa phải để xài. Tuyệt đối không đổi tiền tại Sân bay vì tỷ giá rất thấp, không có lợi cho mình.

Tỷ giá chuyển đổi là 1 USD = 32 Baht (tháng 4/2014) và 1 Baht = 652 VND.


Tiền giấy Thái 

                                                                               Tiền xu Thái 

Các điểm tham quan ở Bangkok


- Hoàng cung Thái Lan: Hoàng Cung được xây dựng từ năm 1772, rộng hơn 2km2 thuộc khu trung tâm thủ đô Bangkok. Nơi đây có một điểm đặc biệt nổi trội, không dễ phai mờ trong tâm trí khách viếng thăm, đó là những tháp vàng, chùa vàng. Bất cứ lúc nào, và nhất là buổi chiều tà, Hoàng Cung vàng rực, toả sáng lấp lánh một vùng đất, vùng trời thành phố. Không phải sự phản chiếu của nắng gió mà là sự phát sáng của những lá vàng 24 cara dát trên các tháp chùa.

Hoàng Cung là một quần thể kiến trúc hoành tráng, được cấu thành bởi 3 khu vực chính: Hoàng cung, Văn phòng Hoàng gia và các ngôi chùa. Hoàng cung gồm 3 toà tháp tiêu biểu, mái cong, đỉnh nhọn. Tháp thứ nhất như một biệt thự cao tầng hình ngọn núi được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng và được chuyển về từ Italia.


Phra Thinang Dusit Maha Prasat: Đây là tòa nhà được xây dựng đầu tiên trong Hoàng cung, là nơi ở của các vị vua, hoàng hậu và thành viên trong hoàng tộc. Nơi đây còn là nơi tổ chức các nghi lễ trọng đại của hoàng gia.


Phra Thinang Aphonphimok Prasat: Nằm gần Phra Thinang Dusit Maha Prasat là nơi để nhà vua diễn thuyết.

Phra Thinang Phiman Rattaya: xây dựng năm 1789, là nơi ở của nhà vua cũng như nơi của các nữ nhân trong cung nhận phong tước.

Phra Thinang Chakri Maha Prasat: xây dựng trong thời kỳ vua Rama V trị vì năm 1876 để đón tiếp các vị khách quý như quốc vương hay bộ trưởng.

Wat Phra Si Rattana Satsadaram hay Wat Phra Keo: được biết đến với tên gọi chùa Phật Ngọc. Chùa thờ một pho tượng phật được tạc từ một khối ngọc bích nguyên chất, Tượng có kích thước 48cm x 46cm, đặt trên bệ cao 2m. Người ta tin rằng tượng này được đặt ở đâu thì ở đó nhiều may mắn, mọi sự phát đạt. Tượng được đặt trong Hoàng Cung thì Hoàng gia may mắn, đất nước phồn vinh, hưng thịnh.


Sanam Luang hay Thung Phra Men: Một khu đất mở rộng gần tường thành phía Bắc của Hoàng cung và tường thành Đông của Wang Na. Vào thời điểm Bangkok mới xây dựng, nơi đây là đồng lúa và thỉnh thoảng được dùng làm nơi hỏa táng của Hoàng cung. Saman Luang ngày nay là một quảng trường mà dân chúng có thể tụ tập, bàn luận về tình hình chính trị. 

Đền thờ cột đá: Theo tục lệ cổ của người Thái, một cột đá được xây dựng vào thời gian thiết lập thành phố mới. Vua Rama I đã đặt cột đá thành phố Bangkok gần chùa Phật Ngọc năm 1782.

Hoàng cung Ananta samakhom: Tòa nhà trung cổ này được xây dựng bằng đá cẩm thạch Ý dưới sự chỉ đạo của vua Rama V với mục đích làm hội trường hội họp, tiếp khách. Mở cừa hằng ngày và phí tham quan 50 bath


Cổ thành: Nằm ở khu Bang Pu Mai trên đường Sukhumvit, về hướng Bang Pu, ở cây số 33, Cổ thành nằm bên tay trái, cách thị trấn Samut Prakan 8km. Đây là trung tâm của các mô hình di tích lịch sử quan trọng trong nước. Được xây dựng năm 1963 và mở cửa hàng ngày.

Vườn bướm và khu nuôi côn trùng Bangkok: Nằm ở khu vực Đông Nam công viên Vachirabenjatas, khu vườn rất rộng với 4 khu chính, khu giới thiệu vườn có màn hình tinh thể lỏng, nhà hát nhỏ để xem VCD giới thiệu về côn trùng và hệ thống sinh thái học. Khu triển lãm và phòng gây giống mầm bướm, côn trùng, phòng cuối là khu nuôi bướm với nhiều loại bướm và côn trùng đa dạng.

Bảo tàng Búp bê Bangkok: Ở Soi Ratchataphan từ đường Ratchaprarop. Bảo tàng này trưng bày các loại búp bê do xưởng ở địa phương sản xuất. Bảo tàng mở cửa hàng ngày trừ chủ nhật, từ 8:00 đến 5:00 chiều.


Bảo tàng Tiền tệ - Ngân hàng Thái Lan: Nằm trong khu vực cung Bang Khun Phrom, gồm có 14 phòng, 2 tầng. Tầng 1 trưng bày tiền xu cổ, tiền xu đạn của Thái, vàng, ngân phiếu, ngoại tệ… Tầng 2 là phòng kỷ niệm 60 năm Ngân hàng Thái Lan. Mở cửa từ thứ Hai – Sáu, vào cửa miễn phí.

Bảo tàng Thế giới trẻ em: Nằm trong khuôn viên công viên Hoàng hậu Sirikit, gồm 3 tầng triển lãm và khu hoạt động ngoài trời, hoàn thành năm 2001 để chúc mừng sinh nhật Hoàng thái hậu. Bảo tàng mở cửa hằng ngày.

Bảo tàng House of Museums: Nằm trên đường Sala Thammasop. Bảo tàng triển lãm các hiện vật cũ và mới như đồ chơi, sách vở, dụng cụ nhà bếp…Mở cừa Thứ Bảy, Chủ Nhật từ 10h sáng đến 5h chiều.

Bảo tàng Jim Thompson: Công trình này là một đóng góp tiêu biểu của vị doanh nhân này trong việc giữ gìn và quảng bá ngành lụa truyền thống Thái Lan cùng với việc giới thiệu phong cách kiến trúc cổ truyền bản địa. Jim Thompson mất tích tại Malaysia vào năm 1967 và để lại cho người Thái một di sản tuyệt vời. Hiện tại, ngôi nhà ông được sử dụng làm bảo tàng mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách tham quan và mua sắm lụa Thái.

Wat Arun: Một địa điểm nổi tiếng bên bờ sông Chao Praya , nằm chéo với Đại Điện, với chùa chính cấu trúc bọc bằng sứ cao 79 mét (phraprang) lắp lánh dưới ánh mặt trời.


Bảo tàng quốc gia: Lưu giữ một tuyển tập tuyệt vời gồm có đồ tạo tác và đồ mỹ nghệ từ thời đại đồ Đồng đến đồng thời kỳ Bangkok. Khu phức hợp này có một số công trình xây dựng cổ xưa thật đẹp theo kiểu kiến trúc của Thái. Bảo tàng mở cửa hàng ngày trừ thứ hai, thứ ba và ngày nghỉ hàng năm từ 9:00 đến 4:00 giờ chiều. Giá vé vào cửa 40 baht.

Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia: Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, trên đường Chao Fa đối diện Bảo tàng Quốc gia, triển lãm các bức tranh hiện đại và truyền thống do các nghệ sĩ hàng đầu của Thái sáng tác. Mở cửa cho công chúng hàng ngày từ 9:00 đến 4:00 giờ chiều trừ thứ hai, thứ ba và ngày nghỉ lễ. Giá vé vào cửa 20 baht.

Wat Pho: Chùa Wat Pho - chùa Phật nằm cũng có kiến trúc tương tự chùa Wat Phra Keo nhưng trên một diện tích lớn hơn nhiều. Nằm giáp ranh với Grand Palace, đây được xem là ngôi chùa lớn nhất Bangkok, riêng gian chính điện của chùa đã có đến 394 tượng Phật ngồi ở các tư thế khác nhau. Chùa có bốn tấm điêu khắc lớn bằng sứ, ngoài ra ra còn có một khu bảo tàng các cây thuốc được xây dựng bằng đá hoa. Nổi tiếng nhất trong chùa là pho tượng phật nằm dát vàng, dài 46m và cao 15m, với mắt và chân được khảm xà cừ gợi nhớ đến sự tích Đức Phật đi vào cõi Niết Bàn. Lòng bàn chân của bức tượng thể hiện 108 thiên tướng tốt của Đức Phật.


Wat Ratchapradit Sathitmahasimaram: Nằm ở phía Bắc công viên Saran Rom, ngôi chùa tương đối nhỏ này xây dựng vào thời kỳ vua Rama IV. Nơi này trước đây là vườn cà phê của Hoàng gia trong thời kỳ vua Rama III trị vì. Một điểm thú vị trong ngôi chùa này là Phra Wihan Luang – phòng hình ảnh Hoàng gia – có bức bích họa miêu tả “Nghi lễ Hoàng gia trong 12 tháng” và huyền thoại về mặt trăng khuyết.

Chùa Ratchabophit: Chùa nằm trên đường Fuang Nakhon gần Wat Pho do vua Rama V xây dựng năm 1869.

Chùa Mahathat: Ngôi chùa cổ này xây dựng trong thời kỳ vua Rama I. Gần đại học Thammasat, chùa là nơi tọa lạc của Học viện Phật giáo Mahachulakongkron, một trong hai nơi giảng dạy Phật giáo lớn nhất Thái Lan.

Công trình tưởng niệm vua Rama I: Xây dựng để kỷ niệm 150 thành lập Bangkok năm 1932, công trình nằm ngay dưới Phathom Boromrachanuson về phía Bangkok. Vua Rama I là vị vua đầu tiên trong Hoàng tộc Chakri, đã thành lập Bangkok là thủ đô của vương quốc Siam.

Công trình tưởng niệm vua Rama III: Công trình do Khoa mỹ thuật xây dựng năm 1990 đối diện với Wat Ratchanatdaram. Tượng đài bằng đồng, lớn hơn người thật một nửa, đang ngồi trên ngai vàng.

Tượng vua Rama VI: Nằm đối diện công viên Lumphini, tượng do giáo sư Corado Feroci chạm khắc.

Vườn thú Safari World: Safari World:  là điểm tham quan hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua trong các chuyến du lịch đến Thái Lan. Đây là vườn thú mở tự nhiên lớn nhất châu Á với hơn 75 loài động vật có vú, 300 loài chim đến từ châu Phi và châu Á cùng các loài động vật đặc

Wat Sunhat và chiếc đu khổng lồ: Điểm nổi bật của Chùa Sunhat nằm trên đưởng Bamrung Muang là những bích họa ở nhà nguyện chính được vẽ vào thế kỷ thứ 19. Chùa mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chiếc đu khổng lồ độc đáo ở ngoài chùa đã có lần được dùng vào việc tế lễ Bà la môn từ lâu đã ngưng hẳn. Nhiều cửa hàng gần chiếc đu khổng lồ này có bán rất nhiều lễ vật của Phật giáo.

Lâu đài Suan Pakkard: Trên đường Si Ayutthaya. Khu phức hợp gồm năm kiểu nhà của Thái nằm trong một khu vườn thật đẹp chứa đựng bộ sưu tập quan trọng gồm các đồ cỗ Châu Á. Gian triển lãm làm bằng sơn mài được trang trí với các bích họa dát vàng lá lộng lẫy vào cuối thời kỳ Ayutthaya.

Học viện Tưởng niệm Hoàng hậu Saovabha: Nằm gần Bệnh viện Chulalongkorn ở góc đường Henri Dunant và Rama IV Roads, Học viện chuyên về nuôi rắn có một bộ sưu tập rắn độc được lấy nọc sản xuất huyết thanh vô giá nhằm điều trị người bị rắn cắn hằng ngày.

Sở thú Dusit: Nằm cạnh Quảng trường Hoàng gia, Thảo cầm viên cổ nhất Bangkok có bộ sưu tập các loại động vật có vú thông thường ở Châu Phi, Châu Á và các loài chim sinh sống trong vườn kiểng.

Ban Kamthieng: Nằm trong vườn của Siam Society trên đường Sukhumvit Soi 21 (Asoke), công trình xây theo kiểu bắc Thái có 200 năm tuổi này chứa đựng bộ sưu tập các nông cụ truyền thống nông dân và ngư dân sử dụng.

Công viên Siam: Nằm trong khu ngoại ô Minburi, cách cầu vượt Lat Phrao khoảng 30 phút về phía đông, công viên nước giải trí này có biển nhân tạo tao sóng, xóay nước, và các đường trượt từ tháp cao. Các điểm vui chơi phụ bao gồm sân chơi trẻ em, chuồng chim, thảo cầm viên mở và vườn thực vật.

Sở thú và trại cá sấu: Đây là trại cá sấu lớn nhất thế giới, có trung tâm nuôi dạy bảo tồn động vật hoang dã, có cả bảo tàng khủng long.

Trại Rắn: Là nơi có nhiều loại rắn độc như rắn hổ mang, rắn lục…

Thế giới Mơ – Dream World: Nằm ở cây số 7 đường Rangsit-Ongkharak, công viên theo chủ đề này gồm có một quảng trường kiểu Châu Âu, vùng đất thu nhỏ và những chuyến đi trên xe thật hào hứng.


Ăn uống ở Bangkok


Tất cả các khách sạn 3-5 sao ở Bangkok đều có buffet sáng, trưa, tối. Nhưng Baiyoke sky giá rẻ và đặc biệt có ngắm thành phố trên tầng rooftop bằng sàn xoay nhẹ 360.

- International Buffet Baiyoke Sky Hotel 4 sao: tầng 76-78, đồ ăn tất cả các nước, đặc biệt Súp Yến, shasimi, ngắm cảnh đẹp, được free ngắm observation deck tầng 77 và 84 trị giá 400baht. Mọi người cần thì pm em cho sđt agent bên bkk book nha. Giá rẻ hơn mua trực tiếp rất nhiều, tính ra có 400baht/người ăn hoành tráng quá rẻ, ở Việt Nam ăn buffet khách sạn 4 sao phải ít nhất 80$. Các bạn nhớ chừa tiền thưởng thức chứ ko sau này ko lấy được giá tốt nữa là tiếc lắm nha.


- Tom Yam (muốn ăn seafood, tôm hay gà thì cứ theo đó mà gọi). Nhớ bảo ít cay, quên là cay chết luôn. Nếu kô thích nước dừa nên bảo nó ko bỏ nước dừa. Ai thích sea food thì kêu Tom Yam Tha Lê, ai thích gà thì kêu Tom Yam Cai, ai thích tôm thôi thì kêu Tom Yam Kung .


- Các món gỏi (Thái gọi là yam): yam won sen, tức gỏi miến, trộn với nước mắm chua ngọt, tôm cua mực hoặc chỉ là thịt heo bằm, với hành, và ớt. Một món khác nhiều bạn thích là gỏi đu đủ, gọi là Som Tam: Som Tam Poo (có con ba khía) và Som Tam Thai (o có con nào), gồm có đu đủ xanh và cà rốt bỏ vô cái cối, giã cho nó mềm và thấm nước mắm chua ngọt, đậu phộng, cà chua mini, dĩa để kế bên là đậu cô ve (ở Thái họ ăn đậu cô ve sống) và ăn không hoặc với cơm nếp.

- Yam Gun Sen: gỏi miến Thái Lan, seafood hoặc thịt heo băm tùy mình chọn, nhớ bảo “no spicy”.

- Som Tam: gỏi đu đủ Thái, ngon lắm, ai bụng ko tốt nhớ kêu nó đừng bỏ con còng vô vì hình như nó còn sống.

- Xôi xoài rất ngon, rất nên thưởng thức.


- Oyster omelette (ốplết hàu): món này còn nổi tiếng ở Taiwan, Singapore và Hongkong nữa, hình như xuất xứ của nó là đồ ăn của người Hoa hay sao ý. Túm lại đi vào ChinaTown, nhòm cái menu của nó nếu thấy oyster omelette thì nhớ thử nhé.


- Nói chung gần Central World, Pratunam… đều có hàng ăn dọc vỉa hè. Silom thì Patpong… còn không thì vô khu ăn uống của Siam Paragon, có cả 1 thế giới đồ ăn để bạn chọn. Big C cũng có nhiều món lắm, rẻ nhưng không ngon lắm, chỉ có món Somtam không sử dụng đu đủ mà sử dụng xoài là đặc biệt và ngon.


- Ăn đồ Tàu thì bạn bắt tuktuk, hoặc taxi đến Chinatown. Đồ hải sản ở đó ngon tươi, rẻ, cứ chọn mấy quán bán ngoài đường. Khu phố Tàu rất dài, đừng nóng ruột mà chọn ăn ngay. Cứ đi 1 đoạn, thấy hàng nào hợp lý thì ăn. Hải sản trưng ngay ngoài đường cho khách y như mấy nhà hàng Tàu của Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng 2 quán áo xanh áo đỏ kế bên nhau. Ăn cá nướng đối diện Big C, trước mặt Central World.


- Có thời gian đi lòng vòng có thể lượn qua đây ăn thử: Đồ ăn Thai-Chinese của nhà hàng Hongmin trên tầng 3 của MBK center, khoảng 100bath/đĩa, ăn ở Silom ngon lắm, order loại crispy on a hot plate nhé.

- Nếu shopping ở các Trung tâm thương mại thì ăn luôn ở đó, nó có các khu food park hay food town, vừa ngon vừa bổ vừa rẻ, có đủ các món Tây Tàu Thái và VN, có luôn tráng miệng, tính ra trung bình chỉ mấy chục baht/ phần.

- Ngoài ra ở Thái Lan có mấy nhà hàng nhỏ nằm trong MBK hoặc các mall, siêu thị rải rác khắp nơi gồm:

+ MK restaurant: bán đồ ăn Hoa, đặc sắc nhất là lẩu MK (giống giống shabu shabu), bạn gọi các thứ mốn ăn ( như miến hay mì, gà, cá, tôm rau v.v…. rồi bỏ vô lẩu).
+ BBQ restaurant: cũng tương tự nhưng không thuần túy như MK. Cũng chọn món theo ý thích rồi bỏ lên nướng.
+ Shabushi: nhà hàng lẩu và shushi băng chuyền, giá rẻ, ngon tầm 300baht/người.
+ Sizzler Restaurant: thường xuyên đông nghẹt, không thành công lắm ở Mỹ nhưng ở Thái rất thành công. Đặc sắc là có 1 loại salad bar, gồm có 4 lọai soup (trong đó có soup nghêu nấu sữa và Tom Yam, ngòai ra có soup nấm, soup hành) và nhiều lọai salad, rau trái, v..v. Bạn có thể chọn salad bar (buffet) giá 120 THB ăn mệt nghỉ, ngoài ra còn có steak, gà nướng cay cũng ngon lắm.
+ Steak House: tầng 6, sát cửa vào Zen. Bán các loại steak từ bò tới gà, cá, lợn giá rất ok, 1 set 99B là no.
+ Kobune – Japanese restaurant : có các con thuyền chở đồ ăn chạy trên nước lướt qua bàn của mình, nghe hơi ảo nhưng cứ vào sẽ rõ, giá từ 30-50Bath /thuyền, rất ngon và đáng đồng tiền bát gạo.
+ Foodcourt bên Zen và Isetan: rẻ và nhiều lựa chọn nhất là bên Zen.
+ Din Tai Fung là nhà hàng Chinese 3 sao duy nhất ở Bangkok, muốn có chỗ ngồi thì phải tới sớm, Xiao Long Bao là món ngon nhất ở đây. Giá không rẻ đâu nhé, cả thuế tầm 100b/làn có 10 cái.
+ Sukishi: 1 hàng buffet nướng và lẩu khác, rất ngon giá hình như là 329Bath /người.
+ Basement BIG C trái cây đã gọt sẵn bỏ hộp (sau 8pm giảm giá đến 50%) rất rẻ và ngon (suggest ổi, xoài rất ngon)… Trước cửa Big C có vài cái xe đẩy bán sầu riêng Thái, bạn nhớ thử nhé.
+ Khaosan road: nguyên 1 con đường ăn uống, bar, tattoo…


Đi shopping


-Khu Siam Square: Khu này có chuỗi siêu thị sang trọng, đẹp, mua thì chắc ít nhưng đáng để ngắm như Siam Center, Siam Paragon, Central World… Riêng khu Central World em ko nhớ rõ là ở Siam hay khu khác nhưng chắc chắn loanh quanh khu Siam thôi, có đủ các loại hàng hiệu trên thế giới ở đây nhá: Marks and Spencer, CK, Zara, Next, Miss 60, Guess, MNG, Axara… Khu này rộng lắm, đi cứ gọi là mỏi cả cẳng, nhìn cứ gọi là mờ cả mắt.


- Siêu thị MBK: Một siêu thị không thể không đến là MBK, bán hằm bà lằng từ quần áo, trang sức, đồ gia dụng, nội thất cao cấp và trung bình, đồ điện tử…, và các đồ trang trí rất xinh xẻo đáng yêu, bán ở tầng trên cùng, giá rẻ.


- Khu Ratchaprasong

+ Với các trung tâm mua sắm như Central World Plaza chuyên trưng bày vô số các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới cùng với các nhãn hiệu đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ của Thái Lan.
Narai Phand: khu bán hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất Thái Lan.

- Khu phức hợp Erawan Bangkok: Nơi đây phục vụ rất nhiều món ăn ngon có chọn lọc đến từ 15 quốc gia tên thế giới, ngoài ra nơi đây còn có một loạt các cửa hàng thời trang, các tiệm spa và trung tâm thể dục thẩm mỹ.

- Khu Pratunam: Được biết đến như khu vực bán hàng may mặc lớn nhất tại Bangkok.

- Siêu thị Platinum Mall: bên trong siêu thị là các cửa hàng bán quần áo giá rẻ, áo thun và các loại đồng phục. Đây là điểm mua sắm hấp dẫn đối với thương nhân, nhân viên văn phòng, sinh viên và sinh viên Thái Lan vì nhiều mặt hàng có thể giảm giá mạnh khi mua với số lượng lớn.


- Chợ Pratunam: với vô số các quầy hàng bày bán mọi thứ các loại túi xách, kính mát và các loại nữ trang làm bằng tay cho đến các vật phẩm lưu niệm dành cho gia đình.

- Khu Sukhumvit: 
+ Emporium: khu mua sắm phức hợp trưng bày rất nhiều nhãn hiệu tân thời như Guess, Chaps, Esprit,…
+ Playground: nơi đây bạn có thể tìm thấy được vô số đồ dung gia đình và quần áo rất hợp thời trang.

- Chợ cuối tuần Chatuchak: được xem là vua của tất cả các chợ ở Bangkok nói riêng và của cả thế giới nói chung. Với hơn 15000 cửa hiệu trải rộng trên diện tích 15ha, khu chợ bày bán đủ các loại hàng từ hàng thủ công như chiếu tre, đèn, các loại đồ gia dụng đến đồ tuyệt tác trong tôn giáo, áo gió, hàng nghệ thuật, đồ cổ, thú cưng và các loại cây kiểng.

+ Vòng ngoài chợ thường bán cây kiểng, đồ làm vườn và quần áo cũ trong khi các cửa hiệu phía trong buôn bán hàng may mặc, đồ lưu niệm, nữ trang và trang trí nội thất. Bạn xem thêm cách lựa chọn đồ gia dụng cao cấp hữu dụng cho chuyến đi của bạn.
+ Tại bãi đậu xe Chợ Chatuchak (tiếng Thái gọi là “JJ”) có một quầy cấp miễn phí bản đồ giúp bạn xác định được lối đi trong mê cung này và bạn cũng có thể mua được bản đồ Nancy Chandler với nhiều màu và nhiều chi tiết hơn tại các của hàng sách gần đó.


- Khu Silom: đây là câu trả lời của Bangkok dành cho phố Wall với hình ảnh nhân viên văn phòng hối hả, quầy bán thức ăn lưu động,…
+ Buổi tối khu vực này trở nên sinh động hơn với các quầy hàng trên đường bày bán đồ cũ, chân đèn cầy bằng gỗ, áo gối lạu, đền lồng, chuỗi nữ trang, và rất nhiều loại đồ cổ.
+ Khu phức hợp Silom: Cửa hàng bách hóa trung tâm (Central Department Store) là nơi bày bán các loại hàng hóa giá rất bình dân bao gồm áo quần hàng hiệu, đồ chơi, thiết bị nhà bếp và các loại giày dép dành cho cả gia đình.

- Patpong Night Bazaar: Khu vực này này thường được biết đến với biệt hiệu là “khu đèn đỏ” của Bangkok. Về nhiều mặt khu này nổi trội về buốn bán hơn là sự bán dạo và tiếng nhạc từ các quan rượu thoát y ở đoạn đường này. Các loại nhãn hiệu ở đây hầu hết đều có thể giảm giá, ngay cả khi giá niêm yết còn chưa cao và chất lượng hàng vẫn tốt. Lại một lần nữa, kỹ năng ngả giá là một thứ rất cần thiết, theo kinh nghiệm thì trả phân nửa giá chào rồi từ từ tăng lên.

Chợ ở đây bán giữa khuya còn các của hàng trên ở Silom thì trễ hơn khoảng vài giờ đồng hồ, vì vậy, nếu bạn chịu ở đến giờ đó thì chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được nhiều món hàng với giá ữu đãu từ những người muốn bán hết hàng trong ngày.

+ Nhưng món hàng bắt mắt nhất ở khu chợ này thường là túi xách thiết kế, hàng da, áo ngủ bằng lụa, đồng hồ, vali, áo thun lưu niệm giá rẻ, đèn làm bằng tre, thảm thêu kiểu Thái và tượng tôn giáo.

- Chợ đêm Suan Lum

So với chợ Chatuchak, Suan Lum ít hỗn độn hơn nhiều. Khu chợ ban đêm khổng lồ này là m Bangko thu nhỏ với đầy đủ các phương tiện giải trí và trung tâm mua sắm. Khu chợ ngoài trời có một mạng lưới dày đặc với 3.700 cửa hàng bán đồ lưu niệm, giấy sa, đồ gốm, áo quần bằng lụa, đồ trang trí nội thất và một số sản phẩm độc đáo chỉ có ở Thái Lan là OTOP (mỗi làng một sản phẩm). Ở đây cũng có một số cửa hàng bày bán các loại áo dài thời trang với những thiết kế rất độc đáo, túi xách, nữ trang làm từ đá quý và các món hàng bằng vải ông đã được sửa lại.

Chợ Suan Lum được bố trí theo dạng bàn cờ và được chia thành hai khu vực với nhiều sois (phố nhỏ) được đặt tên theo các cố đô của hoàng gia như Ayutthaya, Sukothai và Lop Buri. Ở khu A, B và C bạn sẽ tìm được một dãy các cửa hàng bán bánh kẹo, đèn cầy làm bằng tay, xà bong và các dầu thơm dành cho việc xoa bóp chưa bệnh. Khu D nổi bật với những loại đồ gỗ sang trọng, tranh ảnh cổ truyền của Thái, thảm thuê và các mặt hàng trang trí nhà cửa của bạn.

Mua sắm không phải là thú vui duy nhất tại Suan Lum, nơi đây cũng có các spa nhỏ cung cấp các dịch vụ massage và phục hồi sức khỏe theo kiểu cổ truyền của Thái rất hiệu nghiệm. Ở gần lối vào là một vườn bia khổng lồ và các nhà hàng ngoài trời. Hàng đêm đều có chương trình ca nhạc tại sân khâu của chọ do các ca sĩ trẻ và vũ công xinh đẹp là sao người Thái gào thét những bài hát đỉnh cao hiện thời bằng tiếng Anh và tiếng Thái.

Sân khấu múa rối Joe Louis (trình diễn nghệ thuật múa rối Thái) và BEC Tero Hall (trình diễn các tiết mục quốc tế) là những điểm thu hút khác của chợ đêm.


- Khu phố Tây Khaosan: là thế giới dành riêng cho nhưng du khách ba lô trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới và từ mọi tầng lớp của xã hội. Nơi này cũng tụ tập nhiều thanh thiếu niên Thái đến tụ họp để mua sắm và liên hoan vào ban đêm hay các dịp cuối tuần.

+ Các quầy hàng ở đây đa phân bán cùng một loại sản phẩm nên việc bạn dành thời gian để đi xem từng cửa hang và tìm cho mình một cái giá ưu đãi nhất là điều nên làm.
+ Khu này có thợ nhận may veston và theo số đo, các quán bar, các quán café internet phục vụ điện thoại quốc tế, bày bán đồ trang sức, đồ lưu niệm, áo quần,…


- Phố chợ Bobe: cách đường Khaosan khoảng 15 phút lái xe, nằm gần trạm tàu hỏa Hua Lamphong. Đây không phải là nơi phổ biến dành cho dân du lịch, chính vì điều này sẽ đem đến cho bạn những cảm giác đích thực về cuộc sống của người Thái và những cảm nhận về cuộc sống của Bangkok cổ xưa. Thương nhân Thái đặc biệt thích chợ này và thường đến đây rất sớm để bắt đầu các cuộc giao dịch. Áo quần và các đồ dung cần thiết khác được bán sỉ theo tá hay nhiều hơn.

Đây là nơi lý tưởng để bạn kiếm được các loại áo quần không có diềm, vải bán theo mớ và sẽ rất khó tìm mua một món đồ theo đúng kích cỡ và màu sắc như ý của bạn.

- Khu Chinatown và Phahurat (Pahurat): 

Phố người Hoa tại Bangkok là khu phố giao thương chính của người Trung Hoa (chuyển đến đây vào năm 1972 từ dddieerm cũ nằm gần Grand Palace.

Có rất nhiều cửa hàng buôn bán vàng nằm dọc hai bên đường Yaowarat. Nếu bạn tìm mua một xâu chuỗi, một chiếc nhẫn hay các món đồ trang sức thì Chinatown là điểm đến tốt nhất ở Bangkok.

Đi bộ là cách tốt nhất để khám phá phố người Hoa. Và thực tế tại khu vực này có một số khu vực chỉ cho phép người đi bộ được phép đi vào như phố Sampheng chẳng hạn. Có thể khi du khách đến đây với mục đích duy nhất không phải là mua cá khô hay thuốc bắc mà là vì phố này tràn ngập những màu sắc của Trung Hoa cổ và mở ra cho bạn một cánh cửa về quá khứ.



- Chợ Thieves (Kẻ Cắp): nằm giữa đường Boriphat và đường Chakrat. Đây từng là khu chợ trời cung ứng các món đồ cổ Thái và Trung Hoa. Nay tại đây bày bán các loại đồ đồng, đồ giả cổ, sứ Trung Hoa, nhạc cụ và phục tùng xe hơi.

Khlong Thom (đường Charoen Krum – đối diện chợ Thieves: chợ bán đồ điện tử, đồ điện, đồ phục tùng, VCD, dây điện,… Bên ngoài chợ là khu quầy bày bán máy ảnh và các thiết bị đã qua sử dụng.

- Purahat: còn được gọi là phố Ấn Độ của Bangkok. Phố có rất nhiều cửa hàng bày bán vô số quần áo và giày dép với giá vừa túi tiền, đây còn là chợ vải lớn nhất tại Bangkok.
+ Tâm điểm của khu tiểu Ấn là chợ cao tầng Phahurat. Chợ nổi bật với màu sặc sỡ từ các loại saris, xăng-đan, vòng tay bạc, và thảm them nhiều hình màu các vị thần Ấn Độ. Mặt hàng bán đăt nhất ở đây là vải vóc với nhiều chủng loại và nhiều loại hoa văn khác nhau.
- Đường Charoen Krung : là nơi tọa lạc của một số cửa hàng bán lẻ với giá cực đắt của các thương hiệu như: các loại nữ trang, các bức tranh họa nổi tiếng, các loại đồ cổ, đồ nghệ thuật,… Vào mỗi tối thứ bảy đầu tiên của mỗi tháng là ngày bán đấu giá các đồ nghệ thuật và đồ cổ.

*********Lưu ý khi đi mua sắm ở Thái Lan********


Hầu hết các cửa hàng siêu thị ở Thái Lan chỉ mở cửa từ khoảng 10h đến 10h30 sáng (một số ít mở cửa từ 9h). Dù ở đâu cũng có niêm yết giá, nhưng bạn nên trả giá. Bạn có thể đạt được mức giá mua thấp hơn từ 10 - 40% so với giá chào ban đầu. Người Thái đánh giá cao tác phong lịch sự và khiếu hài hước. Với sự kiên nhẫn và một nụ cười cởi mở, bạn có thể mua được hàng giá rẻ.

Người bán hàng ở Thái Lan cũng nói thách, nhưng không nhiều như ở Việt Nam, các bạn có thể trả giá bằng khoảng 60 đến 70% giá đưa ra ban đầu là được. Các trung tâm mua sắm lớn ở Bangkok nằm khá gần nhau, du khách có thể đi taxi hoặc tàu điện thăm nhiều nơi để có thể tìm được món hàng ưa thích nhất và hợp lí. Người bán hàng ở Thái Lan đều nói tiếng Anh ở mức trung bình, bạn có thể dễ hiểu, không khí mua bán ở đây cởi mở, không nài ép, lôi kéo, tranh giành khách.

Bạn cứ thoải mái chọn lựa và trả giá cho đến khi ưng ý... Muốn mua hàng bạn nên đi 1 vòng các cửa hàng xung qoanh để so sánh giá cả, đặc biệt khi mua đá quí và đồ trang sức. Mua hàng nên lấy biên lai và kiểm tra kĩ trước khi rời cửa hàng. Những cửa hàng uy tín sẽ viết thỏa thuận đồng ý hoàn lại nguyên tiền cho bất cứ hàng nào được trả lại trong vòng 90 ngày. Nếu nơi nào từ chối việc này, bạn nên mua hàng ở nơi khác. Mua sắm trên 3000 baht, du khách sẽ được các cửa hàng làm cho thẻ mua hàng VIP, được giảm trên 5% trên mỗi hóa đơn mua hàng trong thời gian 2 năm.

Du khách đến Thái Lan có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng tại các sân bay quốc tế tại Bangkok, Chiangmai, Hat Yai và Phuket, khi mua hàng trị giá tối thiểu 5000 baht trong một ngày (tổng số tiền có thể̉ gộp nhiều hóa đơn trong ngày), du khách nên yêu cầu xuất mẫu hóa đơn hoàn thuế VAT khi mua hàng. Nếu ở cửa hàng tổng hợp, khách cần đến quầy xuất hóa đơn VAT để hoàn thuế. Biên nhận phải được tính giảm thuế trong ngày mua hàng.

Khi rời Thái Lan du khách cần phải đóng mộc mẫu hoàn thuế tại điểm kiểm tra VAT của hải quan trước khi lên máy bay. Hàng hóa đã kê khai hoàn thuế VAT nhân viên hải quan sẽ xem trước khi nhận mẫu hoàn thuế. Khi đi qua điểm kiểm tra hộ chiếu, du khách sẽ được các viên chức hải quan Thái Lan xử lí mẫu và trả lại tiền hoàn thuế VAT.


Giải trí


- Bar ở Bangkok có nhiều loại hay như Rooftop, Jazz, Private.... 1 số bar yêu cầu bạn phải có passport hoặc cái gì chứng minh bạn hơn 18 tuổi và là người nước ngoài, bạn đưa CMND của Việt Nam cũng được.

- Massage: dọc đường từ trong khách sạn đi ra sukumvit có rất nhiều, foot massage giá 200 - 300Bath/1h.

Đi massage thì nên gọi oil massage nhẹ nhàng hơn, Thai massage chuyên về bẻ, ấn, bóp ... đau lắm ai không quen không nên làm.

- Tối đi nghe nhạc ở Holywood hoặc Hard Rock cafe ngay Siam Square, đi nhảy thì có Novotel.

- Coi pedeshow Calipso ở Asia hotel.

- Coi x show ở Nana Plaza (xuống trạm BTS Nan)

- Siam Niramit: nói về lịch sử Thái Lan, show này rất hay, đáng để xem, có cả buffet.


**********Một số lưu ý khác khi đi du lịch bụi Bangkok **********


- Khi đi mua sắm, nhớ mang theo: card của khách sạn (lúc về chỉ cần đưa cho lái xe, đỡ giải thích nhiều), đi giầy gót thấp (tốt nhất là giầy thể thao loại nhẹ), ba lô to (có thể khóa lại bằng 1 chiếc khóa con), 1 chai nước, 1 chiếc ô (một ngày có thể nhiều lần mưa và nắng xen kẽ nhau)

- Khi đi ra khỏi khách sạn, vali để ở phòng nên khóa lại. Chìa khóa phòng luôn luôn gửi lại khách sạn. Buổi tối trước khi về KS nên mua hẳn chai nước to mà uống cho thỏa thích, đừng uống đồ trong tủ lạnh của khách sạn, đắt gấp 3 lần.

-Gọi điện: có thể mua sim và thẻ, bán ở khắp nơi, khoảng hơn 100.000 là có thể gọi về Việt Nam (tất nhiên với số tiền ấy chỉ gọi được vài phút thôi).

- Tôn trọng quy định về xếp hàng: đôi khi các bạn sẽ ngạc nhiên khi ngay cả ở trong…. toilet người ta cũng xếp hàng một cách… vui vẻ, nhưng bởi vì cần phải thế (cầu > cung mà) và vì đó là thói quen của họ. Đừng cố chen lấn nhé, họ sẽ nhìn mình với con mắt thiếu thiện cảm.

- Chuẩn bị quần áo: các bạn mang ít quần áo mùa hè đi thôi vì Thái rất nóng, và dành chỗ trong vali để mua đồ về, làm sao mặc thoải mái nhất là được, khi bán hàng người Thái rất thân thiện, không câu nệ đánh giá người qua quần áo trừ khi đi họp, làm việc, vào nơi tôn nghiêm như chùa, hoàng cung . Nên có mũ, ô vì có lúc nắng lúc mưa.

- Chuẩn bị giày dép: chủ yếu là giày/dép đi bộ, nếu định mang giày cao gót chỉ nên mang 1 đôi để tạo dáng chụp ảnh ở nơi cảnh đẹp như hoàng cung... còn lại đi bộ là chính. Tốt nhất nếu có đôi nào cũ sắp muốn bỏ bạn mang đi để sang Thái sử dụng xong mua đôi mới vứt luôn đôi cũ, he he, về tha hồ dùng đồ mới.

- Nếu thích tour "shopping" thì nên tự túc đi, còn nếu thích đi tour "vãn cảnh" thì nên đặt tour theo các hãng du lịch vì họ chủ động lo cho mình mọi thứ và sắp xếp thời gian chặt chẽ để du khách có thể đi được nhiều nơi, nhưng đi theo tour này sẽ rất mệt và vội vã như đi hành quân chiến dịch, không có thời gian shopping. Với phụ nữ mà thích shopping thì nên tự túc đi thì sẽ đi được nhiều và thích nghỉ lúc nào thì nghỉ

- Nhớ lấy bản đồ phát miễn phí ở sân bay ngay cửa ra.

- Các tháng cuối năm, tháng 6, hay có đợt giảm giá ồ ạt, giảm 50-70% nên rất thoải mái. Sale lớn nhất là trước noel.

- Buổi sáng trước khi đi, nhớ ghé qua 7eleven mua 1 chai nước khoáng thật to, vừa rẻ vừa tiếp sức cho mình rất nhiều trong chặng đường dài đi bộ. Nếu cần mua gì thì cứ vào 7eleven

- Đi Thái thì hấp dẫn là shopping và ăn hàng, món ăn Thái khẩu vị không khác lắm so với khẩu vị người Việt, chỉ hơi cay tí.

- Đi chợ nên để tiền trong người đừng đeo bóp trước bụng dễ bị trộm.

- Mua đồ nhớ lấy hoá đơn để làm thủ tục hoàn thuế để ra sân bay mình còn đòi tiền thuế VAT.

- Người Thái rất niềm nở, nhưng nghệ thuật mặc cả cũng rất cao chiêu, khi trả giá bạn nhớ kết câu bằng từ "Pleaseeeeeeee!" nhé, sẽ có hiệu quả hơn đấy

- Nên để passport, vé máy bay, giấy tờ quan trọng trong safebox khách sạn, đem theo bản copy thôi. Đâu cũng thế, nhất là chợ đông người cẩn thận tiền bạc.

- Ra khỏi trung tâm thì nên mang theo địa chỉ KS bằng tiếng Thái, vì dân ở các vùng ngoại ô xung quanh rất ít nguời biết tiếng Anh, kể cả lái xe taxi. Và nhớ mang theo tiền bath vì ở ngoại ô gần như không có chổ đổi ngoại tệ.



Với những kinh nghiệm du lịch Thái Lan này, chúc bạn có một chuyến du lịch vui nhất !