Khám phá “mắt biển” miền Trung

Hải đăng có lịch sử từ rất lâu đời, ngọn hải đăng Alexsander trên đảo Pharos ở Ai Cập từng được xem là một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại.

Hải đăng có tác dụng phát tín hiệu cho tàu thuyền đi đúng hướng, tránh đá ngầm nguy hiểm thông qua hệ thống chiếu sáng từ đèn và thấu kính vì thế người đi thuyền thường ưu ái gọi những ngọn hải đăng là mắt biển.

Việt Nam hiện có 79 ngọn hải đăng trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên, ngoại trừ những ngọn hải đăng nằm gần thành phố hay cửa sông thì còn lại những ngọn hải đăng nằm ở những nơi vươn xa ra biển đều rất đẹp. Thậm chí có những ngọn hải đăng xa đến độ không phải ai cũng đến được thì vẻ đẹp càng hút hồn hơn.

Cùng khám phá một số ngọn hải đăng đẹp vào loại bậc nhất dọc biển miền Trung:

Hải đăng Đại Lãnh

Hải đăng Đại Lãnh (Đông Hòa, Phú Yên) được nhiều người biết đến là một trong những nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1890, hình trụ, thon đều, màu xám, cao 26,5m so với nền tòa nhà, cao 110m so với mặt nước biển. Trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời cung cấp năng lượng cho ngọn hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác đèn. Hải đăng có thể phát sáng xa 27 hải lí. Bên trong hải đăng là một cầu thang cuốn 110 bậc bằng gỗ lim nhẵn bóng cùng thời gian.



Hải đăng Đại Lãnh


Đón bình minh nơi cực Đông Tổ quốc



Nhìn từ xa, ngọn hải đăng sừng sững trên núi, dưới chân là biển xanh thăm thẳm và bãi Môn tuyệt đẹp

Cùng với việc chinh phục hải đăng, du khách còn có dịp tìm hiểu thêm về “địa chỉ đỏ” Vũng Rô, chiến công của những con tàu không số, ngắm nhìn suối nước ngọt gần biển, câu cá, khám phá các vách đá hùng vĩ… hay thưởng thức những loại hải sản tươi ngon. Đặc biệt là món cá chình thơm, ngọt, dân gian gọi là “thuồng luồng biển” không nơi nào sánh bằng.




Không gian thu vào tầm mắt từ hải đăng

Hải đăng Gành Đèn

Hải đăng Gành Đèn (Tuy An, Phú Yên) cách gành Đá Đĩa khoảng 15 phút đi bộ, thuộc loại đèn báo cửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Yên, định hướng ra vào vịnh Xuân Đài và vịnh Chào. Chiều cao tháp đèn 10m, thân đèn sơn màu đỏ – trắng xen kẽ, tầm đèn chiếu sáng khoảng 17 hải lý. Nét nổi bật của hải đăng Gành Đèn không ở kiến trúc mà ở vị trí tọa lạc khá đẹp. Hải đăng dựng trên gành đá được tạo nên từ nhiều tảng đá màu hồng nhạt chồng xếp lên nhau. Phía sát mặt nước gành đá có bờ dốc đứng, từng đợt sóng đánh thẳng vào gành tung bọt trắng xóa cùng vị trí sát đường thuận tiện cho du khách đến tham quan, ngắm cảnh.


Sở hữu nét phóng khoáng và ngoạn mục của thiên nhiên


Ở Gành Đèn có rất nhiều mỏm đá lớn sát biển và đường cho du khách đến thuận tiện.

Hải đăng Gành Đèn đứng ở vị trí đẹp

Hải đăng Kê Gà:

Hải đăng Kê Gà (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) là một trong những ngọn đèn biển cao tuổi nhất Đông Nam Á. Từ xa, du khách có thể quan sát ngọn hải đăng cao vút giữa hòn đảo nằm tách biệt hoàn toàn với đất liền. Đây là công trình do kỹ sư người Pháp Chnavat thiết kế, được khởi công xây dựng vào tháng 2/1897 và đưa vào hoạt động từ năm 1899, tính đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Hải đăng có hình bát giác, được làm toàn bộ bằng đá hoa cương rất chắc chắn và mang tính nghệ thuật cao, mỗi phiến đá đều được chế tác sẵn rồi xây ghép lại với nhau. Bên trong có 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Đây là ngọn hải đăng có phần tháp xây cao nhất Việt Nam với độ cao là 41m. Hiện nay đèn biển ở đây được thắp sáng 24/24 bằng năng lượng mặt trời, chiếu sáng đi xa 22 hải lý (tương đương 40 km).


Vẻ đẹp bí ẩn và trầm tư- nét đẹp của riêng ngọn hải đăng

Lên đến đỉnh tháp, du khách có thể ngắm biển xanh bao la, những khu nghỉ dưỡng, bải đá nhiều hình thù kỳ lạ…trải dài hàng chục cây số đều thu gọn vào tầm mắt. Một số du khách thường ở lại đảo qua đêm để câu cá, ngắm ánh trăng vằng vặc vào ban đêm bên ngọn lửa hồng và ngắm cảnh bình minh hùng vĩ hiện dần trên mặt biển.

Hành trình khám phá hải đăng Kê Gà

Các ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa

Hiện nay, trên 21 đảo và điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có 8 ngọn hải đăng thuộc các đảo: Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và hải đăng Nam Yết đang được xây dựng. Tùy thuộc vào địa chất và nền san hô mà hình dạng và kết cấu của các ngọn hải đăng được xây dựng khác nhau, tạo nên vẻ đẹp khác biệt rất đặc trưng. Ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây được xây dựng năm 1993, cao 36 m so với tâm 0 độ, có hình ống trụ tròn – một dạng kiến trúc rất được ưa dùng trong thiết kế hải đăng. Ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát xây trên nền san hô, có kết cấu bằng sắt thép với những lỗ xiên hoa để giảm gia tốc của sức gió nhìn từ xa, hải đăng như búp măng mọc lên từ biển. Ngọn hải đăng ở đảo Sơn Ca lại có hình trụ, chân đế xây hình Cột cờ Hà Nội…



Hải đăng Trường Sa Lớn



Hải đăng Song Tử Tây



Hải đăng Đá Lát

Đến Trường Sa, bên cạnh việc khám phá vẻ đẹp của các ngọn hải đăng, du khách còn có dịp tìm hiểu công việc của những người gác đèn, trải nghiệm cuộc sống của người dân biển đảo và những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng trời thiêng của Tổ Quốc.
Bên cạnh vẻ đẹp, tuổi thọ cùng độ kỳ vĩ…khi đến với những ngọn hải đăng này du khách còn có cơ hội tiếp cận một kho kiến thức phong phú về lịch sử và văn hóa. Với những người thích du lịch, ưa mạo hiểm thì việc chinh phục và khám phá những ngọn hải đăng sẽ là một chuyến đi đầy thú vị.

Bảo Ngọc – Đất Việt tour