Câu nói bất chợt làm tôi cảm nhận về Chefchaouen ở một khía cạnh khác: một phố núi nhưng khoác trên mình chiếc áo bên bờ Địa Trung Hải.
Nhà thờ người Tây Ban Nha - Ảnh: Linhnc2005
Được xây dựng từ năm 1471 bởi những người Tây Ban Nha, Chefchaouen giống như một pháo đài để chống lại sự xâm lấn của người Bồ Đào Nha trên vùng đất mà người Tây Ban Nha quản lý thuộc đông bắc của Morocco. Cái tên Chauen (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là cặp sừng của con dê) được đặt cho thành phố vẫn được người Morocco giữ lại và sử dụng đến hôm nay.
Len lỏi qua những con đường, rồi quanh co trên những bậc thang trong khu phố cổ, tôi cũng đến được thác nước trung tâm của thành phố, và chính ở đây tôi mới hiểu thêm tại sao thành phố có tên gọi Chauen. Phố núi mơ mộng nằm gối đầu vào dãy núi, mà hình dáng của dãy núi trông tựa như cặp sừng dê.
Hầu hết những ngôi nhà cổ tại Chefchauen đều ảnh hưởng kiến trúc xây dựng của người Tây Ban Nha theo phong cách Al-Andalus, mái vòm theo hình móng ngựa, gạch được sử dụng để xây những bức tường bao quanh, ngói đỏ được lợp bên trên và treo một ngọn đèn hình tháp phía trước ngôi nhà.
Người Morocco vẫn phả một chút “linh hồn” cho riêng mình vào trong các ngôi nhà của người Tây Ban Nha qua việc kiến tạo hoa văn trên cánh cửa chính ra vào, hoặc xây dựng lại cánh cửa chính theo một phong cách rất riêng của chính họ.
Những ngôi nhà theo kiến trúc Tây Ban Nha tại Chefchaouen - Ảnh: Linhnc2005
Không muốn mất đi một trật tự xuyên suốt vốn có, những ngôi nhà đến sau vẫn theo phong cách cũ của người Tây Ban Nha để xây dựng. Khó phát hiện đâu là những ngôi nhà cũ, đâu là những ngôi nhà mới xây dựng sau này.
Phố núi và cuộc sống của phố
Khởi hành từ Fez, chuyến xe buýt của CTM mang đến cho tôi một cảm giác khác khi di chuyển đến Chefchaouen. Đó một cảm giác “rất xanh” và “êm dịu” như đặc tính vốn có của Chefchaouen. Thỉnh thoảng xe lại băng ngang những con suối chảy róc rách giữa các dãy núi, từng cụm hoa vàng hay đào rừng bắt đầu ra hoa ven theo bờ suối, mang hương xuân nồng nàn tràn vào xe.
Cổng chào nối liền các dãy phố - Ảnh: Linhnc2005
Mang theo các sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Một vài khóm rau đủ loại, một khóm lá gia vị để bỏ vào ly trà, một vài đôi gà ri, một vài quả cam đỏ tươi vừa hái trong vườn, một vài quả chanh chín vàng tươi… Các chú lừa thồ hàng từ những vùng quê gần đó có một chút hối hả để gia chủ của mình kịp bán trong phiên chợ sáng nay bên ngoài cổng chào của phố.
Cũng giống như các thành phố khác của Morocco, người dân phố núi rất hào hứng với những trận bóng đá cuối tuần của các giải ngoại hạng đang diễn ra ở bên kia bờ Địa Trung Hải ở những quán cà phê trung tâm.
Hoa văn của người Morocco trên cửa ra vào cũng màu xanh - Ảnh: Linhnc2005
Cắn nhẹ một miếng phô mai được làm bằng sữa dê vừa đủ độ béo, vừa đủ độ ngọt và cũng vừa đủ độ thơm. Lang thang trong chợ đêm để ăn những con ốc núi và húp một cách từ từ cảm nhận các loại gia vị được trộn vào với nước xúp thịt cừu để luộc ốc, uống một ly trà đường nóng hổi và thơm mùi nhẹ nhẹ của chiếc lá bạc hà trong ly. Đi mua săn lùng những món hàng thủ công được làm bằng lông thú hay da trừu… là những kỷ niệm khó quên trong đời đối với ai từng đến phố núi Chefchaouen.
Chiếc áo màu xanh
Dường như tất cả đều có màu xanh khi tôi vừa đến trung tâm Chefchaouen. Từ những bức tranh được vẽ trên đường phố, cổng chào, ô cửa sổ, chậu hoa, cho đến taxi đều có màu xanh… Chính điều này làm cho Chefchaouen càng khác lạ so với các thành phố khác của Morocco.
Những bức tranh vẽ trên đường phố cũng có màu xanh - Ảnh: Linhnc2005
Người dân phố núi đã giữ lại “linh hồn” cho người Tây Ban Nha tại Morocco bằng cách khoác lên người Chefchaouen chiếc áo “Địa Trung Hải”, bởi các thành phố xinh đẹp của người Tây Ban Nha hầu hết đều nằm ven biển Địa Trung Hải?
Năm tháng đã đi qua, Chefchaouen vẫn giữ lại cho mình một nét rất riêng và là thành phố hấp dẫn rất nhiều du khách đến đây, đặc biệt là người Tây Ban Nha. Họ muốn nhìn lại thời “vàng son” trong quá khứ của mình, cũng như gửi lời tri ân đến những người Morocco đã giúp họ giữ một “linh hồn” như thế nào trên vùng đất Bắc Phi đầy nắng gió của sa mạc Sahara.
NGUYỄN CHÍ LINH