Tuy nhiên sau này những người làm bánh ướt chuyên nghiệp, trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước như ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định thì cách làm bánh có phần công phu, khéo léo và tinh tươm hơn.
Bán bánh ướt mắm dắt ở Phú Yên - Ảnh: Hương Hương
Người làm bánh ướt phải qua các công đoạn đắp lò, chuẩn bị xoong nồi và những dụng cụ cần thiết. Khi làm bánh, các cô các chị phải cần mẫn ngồi bên lò than lửa nồng đượm. Trên lò than có nồi nước to sôi ùng ục tỏa khói, mảnh vải căng tròn phẳng phiu bên trên miệng nồi. Từ bột gạo ngâm xay nhuyễn, đôi tay người làm bánh từng động tác đều đặn dùng chiếc vá hoặc chiếc gáo tròn múc bột đổ lên tấm vải tráng cho bột mỏng tròn đều theo khung vải rồi đậy nắp lại.
Chỉ trong vòng 1-2 phút, bánh chín, người làm dùng thanh tre cật già vót thật mỏng khéo tay vớt từng cái bánh trắng mỏng ra trải lên chiếc mâm có lót ngọn lá chuối non hoặc trải xuống chồng đĩa chờ sẵn. Nếu làm bán, gặp buổi khách đông, một người làm phải ngồi bên cạnh 3-4 lò than và đôi tay phải hoạt động thoăn thoắt. Các động tác múc bột tráng, đậy nắp nồi, mở nắp ra, vớt bánh cứ thế nhịp nhàng lặp đi lặp lại đều đặn.
Bánh vớt ra để khoảng năm phút thì tạm nguội. Cô chủ khéo tay gấp chiếc bánh làm tư xếp để cẩn thận một góc mâm. Làm bánh ướt đòi hỏi khéo tay và tinh ý. Khi vớt bánh ra, đồng thời bên cạnh cô chủ cũng đã có một nồi dầu phi với hẹ xắt nhỏ xanh ngăn ngắt để sẵn. Trước khi ăn, trên bề mặt chiếc bánh ướt được thoa nhẹ một lớp dầu và hẹ làm cho từng chiếc bánh như sinh động, bắt mắt và hòa hợp hơn.
Bánh ướt chấm các loại mắm ăn lúc còn nóng mới ngon. Nếu được chấm với mắm dắt thì càng độc đáo biết bao. Loại mắm này người dân làm từ con dắt, một loài hải sản thuộc họ nhà sò, hến nhưng nhỏ hơn sống nhiều ở vùng đầm giáp với cửa biển miền Trung. Mắm dắt là một đặc sản mà ăn với bánh ướt nóng phi hẹ thì không có gì ngon cho bằng.
HƯƠNG HƯƠNG