Khánh thành di tích hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không", ngày 20/12, di tích cách mạng kháng chiến Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu tại Hoàng thành Thăng Long đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.


Hầm chỉ huy tác chiến nằm tại khu A Hoàng thành Thăng Long, phía Tây đầu hồi nhà làm việc của Cục tác chiến. Một cửa hầm phía Đông nối với nhà làm việc của Cục tác chiến, cửa phía Nam thông với khu Đoan Môn. Nơi đây, các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo đánh tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc; đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18/12 - 29/12/1972.

Căn hầm được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1965, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000m3, nóc dày 1,4m, tường dày 40cm.

Khi xây dựng Hầm chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quyết định đánh sập tầng hai nhà làm việc của Cục tác chiến, tạo ra đống đổ nát ngụy trang, tránh sự phát hiện của máy bay do thám của địch.

Được đánh giá hiện đại nhất lúc bấy giờ, Hầm chỉ huy tác chiến có hệ thống lọc bụi, chống nhiễu, hệ thống điều hòa và có khả năng chống được bom nguyên tử. Với diện tích 65m2, căn hầm chia làm hai phòng: Phòng giao ban tác chiến và phòng trực ban tác chiến.

Sau hai năm phục hồi, tu bổ, Hầm chỉ huy tác chiến chính thức mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về hoạt động chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hiện, Hầm chỉ huy tác chiến ra mắt công chúng trong diện mạo tương đối trọn vẹn với hệ thống trang thiết bị phục vụ chỉ huy tác chiến.

Tại phòng giao ban trưng bày bộ bàn ghế giao ban, các bản đồ chỉ huy tác chiến, ảnh tư liệu về hoạt động chỉ huy tác chiến, hoạt động chiến đấu của quân dân Hà Nội, các loại quân tư trang.

Phòng trực ban tác chiến trưng bày bàn chỉ huy, tiêu đồ, bảng trực chỉ huy, bản đồ chiến sự, bản đồ căn cứ không quân, hải quân và binh lực chủ yếu của Mỹ cùng đồng minh, bản đồ lực lượng phòng không – không quân bảo vệ miền Bắc; các ảnh tư liệu; hiện vật (radio, quạt, la bàn, thước chỉ huy...); đặc biệt là 4 cabin trực điện thoại phục vụ chỉ huy chiến đấu./.