Chàng H’Mông đi lạc 5.800 km và lòng tự trọng của người Việt

Vừ Già Pó nghèo nên anh mới xa xứ làm thuê, rồi đi lạc chứ không trộm cắp. Anh nhắc đi nhắc lại điều đó với sự tự tin.

Chuyện về Vừ Già Pó, người đàn ông có cuộc hành trình bí ẩn dài tới 5.800 km băng qua dãy Himalaya đến tận Pakistan đang khiến dư luận sửng sốt.


Tại sao Vừ Già Pó lại có thể lưu lạc đến tận Pakistan đang là một câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Nhiều người ví anh như một ông "vua phượt", thậm chí, giáo sư Ngô Bảo Châu còn không ngần ngại ví Vừ Già Pó như Odysseus - một nhân vật cơ trí vào bậc nhất trong thần thoại Hy Lạp, một sự pha trộn giữa cái tuyệt trí của Khổng Minh với cái tuyệt mưu của Tào Tháo trong Tam Quốc diễn nghĩa ở văn học phương Đông.

Một người không giấy tờ, không ngoại ngữ nhưng lại có thể băng qua đoạn đường 5.800 km quả thật là kì diệu, ngoài sức tưởng tượng. Thậm chí có đọc giả thốt lên rằng: "Sau vụ máy bay MH370 làm cho hệ thống rada phòng không các nước bẽ mặt thì giờ lại có anh H'Mông Vừ Già Pó làm cho biên phòng các nước bẽ mặt".

Việc vì sao anh có thể lưu lạc đến Pakistan vẫn còn là một câu chuyện dài để kể, khi mà, giờ này anh vẫn còn ở Pakistan, chờ giải quyết những thủ tục cần thiết cho việc...giải cứu. Và chúng ta, ai cũng mong chờ có một hồi kết đẹp cho chàng H'Mông 37 tuổi làm nên điều kì diệu.

Không chỉ nể phục, xúc động trước vì quãng đường anh đã băng qua: 5.800 km. Mà có lẽ cảm xúc rõ nét nhất mà anh chàng H'Mông khắc khổ đang lâm vào cảnh rủi ro đáng thương đó gây nên cho những người đồng bào của mình là sự kính trọng.

Với mong muốn giúp anh Wu Ta Puma tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Khi được đứng trước ống kính bày tỏ, vẻ mặt mệt mỏi, diễn đạt một cách lủng củng, nhưng thông điệp quan trọng đã được anh nhắc đi nhắc lại rằng anh là người Việt Nam, và là người tốt, không trộm cắp gì.


“Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bây giờ tôi chỉ đi lao động Trung Quốc, tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp, tôi bị bộ đội (Pakistan) bắt tôi về giam được 3 tháng. Bây giờ mong nước bạn đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi trở về nuôi con cái và gia đình.

Gia đình tôi gồm: vợ tôi là Ly Thị Lía - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con gái cả là Vừ Thị Chúa cũng ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con thứ hai là Vừ Thị Hờ, con thứ ba là Vừ Mí Súa, con thứ tư là Vừ Mí Chả và con thứ năm là Vừ Mí Vư là các con trai. Cả nhà tôi ở Khâu Vai còn 6 mẹ con, mong cơ quan chức năng đưa tôi về biên giới Việt Nam để chăm sóc vợ con tôi.

Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi mong cơ quan chức năng đưa tôi về Việt Nam, cơ quan chức năng hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả. Nay tôi nghèo tôi mới đi làm thuê, tôi không phải là người xấu, hay trộm cắp.

Tôi là Vừ Già Pó - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Vì ông Vư với ông Phình đưa tôi đi làm thuê chứ không phải tôi đi trộm cắp, nay tôi xin hãy đưa tôi về. Hết bao nhiêu tiền tôi vay trả song tôi phải về Việt Nam, tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi xin cán bộ đưa tôi về Việt Nam để chăm sóc vợ con và gia đình. Xin hãy đừng làm gì tôi để tôi được trở về nước”.


Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: "Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt”.

Sau khi chia sẻ thông tin kèm theo dòng trạng thái nói trên, rất nhiều Facebooker khác "nhảy" vào bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân. Đa số đều đồng tình và "tâm đắc" với nhận xét của Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nason Nguyen chia sẻ: "Cậu ấy luôn nhắc đi nhắc lại trong trả lời phóng viên truyền hình Saama TV của Pakistan: "Tôi là người Việt Nam, không phải người Trung Quốc. Tôi là người tốt, không trộm cắp gì".

Facebooker có nickname Châu Nguyễn đồng tình: "Tìm cái gì ko quan trọng..., anh nhớ mình là người tốt. Quá chuẩn ạ".

Thậm chí, có Facebooker Nguyễn Việt comment phấn khích một cách hơi thái quá rằng: "Một trong số ít người Việt Nam ,"bước ra thế giới" dám nói mình là người Việt Nam".

Vừ Già Pó nghèo nên anh mới phải xa xứ đi làm thuê, rồi đi lạc, chứ anh không trộm cắp. Anh nhắc đi nhắc lại điều đó. Nghèo, lại lâm cảnh rủi ro khiến bao người ái ngại, thương cảm. Nếu biết tận dụng thời cơ vàng này, Pó dễ dàng lấy được lòng thương cảm của cộng đồng như cách mà một cựu minh tinh màn bạc đã làm để giữ lại ngôi biệt thự giá hàng chục tỷ đồng của mình, nhưng Pó đã khẳng định: "Xin hãy đưa tôi về. Hết bao nhiêu tiền tôi vay trả".

Anh không ngửa xin, cũng không ăn cắp. Anh nghèo, không có biệt thự để lo mất, không đi tiệc buffet để mang tiếng ăn tham, không nói ngoại ngữ khác như gió để có cơ hội tiêu thụ đồ ăn cắp ở đất khách. Anh tự hào, anh khẳng khái khẳng định: "Tôi là người Việt Nam, tôi là người tốt". Những người "đẳng cấp” hơn anh cả về điều kiện kinh tế lẫn trình độ văn hóa, giáo dục, sau khi nghe thông điệp mà Vừ Già Pó nhắn gửi trên sẽ cảm thấy như thế nào khi mà, giờ đây, khắp nơi người ta phải trưng khẩu hiệu, bằng tiếng Việt rêu rao, rằng người Việt trộm cắp, ăn tham?!. Một khi nhiều người xem nhẹ lòng tự trọng, danh dự và phẩm giá con người, thì đó chính là cảnh báo về sự xuống cấp có nguy cơ làm mất gốc hoặc biến dạng những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc được gầy dựng từ bao đời mới có được.


Vừ Già Pó đang được tích cực giúp đỡ để được về nhà đoàn tụ với vợ con ở Khâu Vai. Và nếu biết "thức thời", Pó sẽ lại có thêm cơ hội làm giàu thứ 2, như một bạn đọc chia sẻ: "Bác này về viết lại hành trình chuyến 'phượt' của mình sẽ kiếm khối tiền. Cơ hội làm giàu đó bác ơi!!". Nhưng tin chắc rằng, sau khi về đến quê nhà, anh sẽ lại vùi đầu vào làm lụng quần quật để trả nợ, để nuôi vợ con.

Nhắc lại lời Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: "Anh đi tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Giờ thì anh đã quên mình đang tìm cái gì. Thực ra tìm cái gì không quan trọng, quan trọng nhất anh luôn nhớ mình là người tốt”.
Ở đâu cũng có người tốt và người xấu, quan trọng là bạn có chứng tỏ rằng mình là người đáng tin cậy, và cùng nhau góp sức xây dựng hình ảnh người Việt tốt đẹp hơn. Hãy làm người Việt Nam, "bước ra thế giới" dám nói mình là người Việt Nam!

Theo Khê Đồng
Báo Đất Việt