Tượng Phật cao nhất thế giới

Lạc Sơn Đại Phật là pho tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới, được tạc vào vách núi ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.


Bức tượng mô tả Phật đang ngồi đặt tay trên gối. Người ta tạc bức tượng năm 713 trên vách đá Thê Loan, núi Lăng Vân, dãy Nga Mi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Bức tượng cao 71m nằm ở chỗ hợp lưu giữa ba con sông lớn. Truyền thuyết kể lại rằng, nước sông chảy qua khu vực này rất hung dữ, khiến cho tàu bè qua lại thường xuyên bị đánh đắm.


Trăn trở tìm cách cứu giúp chúng sinh, hòa thượng Hải Thông đã chỉ đạo xây dựng bức tượng với hy vọng đức Phật có thể thuần hóa con nước.


Người ta bắt đầu xây dựng tượng Lạc Sơn Đại Phật năm 713 và hoàn thành 90 năm sau đó. Đá thừa trong quá trình khoét núi dựng tượng Phật được thả xuống sông. Chúng làm thay đổi dòng chảy của nước, khiến nó trở nên hiền hòa hơn.


Cũng theo truyền thuyết được nhiều người tin tưởng, vị hòa thượng Hải Thông đã tự khoét mắt mình để thể hiện lòng mộ đạo khi nguồn tài chính của công trình bị một tên tham quan địa phương nhăm nhe chiếm đoạt.

Sau khi hoàn thành, vai tượng rộng 28m, đầu tượng cao 14,7m, rộng 10m. Mắt tượng rộng 3,3m, mũi dài 5,6m và miệng rộng 3,3m.


Trải qua hơn 1.200 năm lịch sử, tượng đá Lạc Sơn Đại Phật vẫn thu hút rất đông người thăm viếng. Tháng 2/1982, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa tượng Lạc Sơn Đại Phật vào danh sách quần thể văn hóa – tôn giáo trọng điểm toàn quốc.


Năm 1996, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa núi Nga Mi, bao gồm cả khu vực có tượng Lạc Sơn Đại Phật vào danh sách di sản thế giới.

Người dân sống ở khu vực này cho biết, dãy núi nơi tạc tượng Lạc Sơn Đại Phật có hình dáng Phật đang ngủ.