Núi non hùng vĩ, những bản làng hiền hòa thơ mộng, những thửa ruộng bậc thang kỳ ảo, những nụ cười rạng rỡ ... tất cả đã làm nên một Tây Bắc vô cùng quyến rũ, là một nơi đầy lý tưởng cho những ai thích cảm giác phượt nơi vùng cao này. Dưới đây là những gợi ý giúp các bạn có một tour gia re, chuyến đi không chỉ vui mà còn an toàn và tiết kiệm.
Tham quan Tây Bắc vào thời gian nào?
Mỗi mùa Tây Bắc có một nét đẹp riêng, nhưng có hai mùa trong năm Tây Bắc mới thực sự đẹp nhất, rực rỡ nhất, đó là mùa Xuân và mùa Thu. Mùa Xuân vào khoảng tháng 1 đến tháng 2 âm lịch. Thời điểm này, hoa ban, hoa mận, hoa đào...những loại hoa đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc đua nhau bừng nở. Đây cũng là mùa đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổ chức lễ hội, ca hát, vui chơi, trang phục màu sắc, rực rỡ nhất...
Tháng 10 là thời điểm Tây Bắc vào thu, những thửa ruộng bậc thang óng ả một màu vàng đẹp như tranh. Nắng thu Tây Bắc cũng nồng nàn và đượm màu hơn các vùng đất khác. Chợ phiên Tây Bắc thường diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Đó là dịp để bạn có thêm những trải nghiệm khó quên. Màu sắc, âm thanh cuộc sống của các phiên chợ vùng cao là điều tuyệt diệu không thể bỏ qua.
Nếu bạn chỉ có 3 ngày để khám phá Tây Bắc, có thể đi theo tuyến Hà Nội – Mai Châu - Mộc Châu – Sơn La. Nếu bạn có 7 ngày trở lên thì có thể theo hành trình Hà Nội – Mai Châu - Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai. Từ Lào Cai có thể đi xe lửa đêm hoặc theo đường bộ về thẳng Hà Nội.
Đến và đi lại ở Tây Bắc như thế nào ?
Từ Hà Nội có rất nhiều xe khách đi đến các tỉnh vùng Tây Bắc, nhưng đi xe khách bạn chỉ có thể đến trung tâm các thành phố, mà vẻ đẹp của Tây Bắc chính là hành trình qua mỗi chặng đường. Cách khám phá Tây Bắc tốt nhất là rủ một nhóm bạn đi cùng, thuê xe ô tô hoặc "phượt" bằng xe máy.
Phải kiểm tra cẩn thận máy móc, thắng xe, dầu nhớt... trước khi khởi hành. Dù bình xăng còn nhiều hay ít, thấy cây xăng ở đâu bạn nên đổ đầy bình ở đó, không đợi cạn bình xăng mới đổ, phòng những đoạn đường không có cây xăng.
Nếu đi bằng xe ô tô, bạn không nên đi quá 60 km/h khi lên các đèo dốc. Vận tốc tốt nhất là 40 – 50 km/h, bạn vừa có thể ngắm cảnh, vừa đảm bảo an toàn. Đối với xe gắn máy, tốc độ nên giữ từ 30 – 40 km/h khi lên xuống đèo. Mỗi khi lên hết một đỉnh dốc, cần dừng lại nghỉ ngơi vài phút trước khi đổ dốc. Mỗi ngày không nên đi quá 200 km. Những ngày cuối sẽ mệt hơn. Đi khoảng 150 km nên dừng nghỉ một đêm là tốt nhất. Đi du lịch Tây Bắc không nên đi quá nhanh để thưởng ngoạn phong cảnh, khám phá đời sống.
Mỗi ngày nên khởi hành từ sáng sớm để tinh thần minh mẫn, hào hứng, có đủ thời gian để đến được thị trấn, thị xã hoặc thành phố tiếp theo và có chỗ nghỉ ngơi trước khi trời tối. Không vượt đèo dốc lúc trời chạng vạng hoặc đã tối hẳn. Đây là điều vô cùng quan trọng, tránh cho bạn gặp phải rủi ro, không an toàn.
Ở đâu tại Tây Bắc?
Vùng Tây Bắc, thông thường mỗi chặng đường khoảng 50 km sẽ có một thị trấn nhỏ. Mỗi thị trấn đều có nhà nghỉ, nhưng điều kiện và chất lượng dịch vụ hạn chế. Tốt nhất bạn nên tính toán cẩn thận hành trình để đến được các thành phố hoặc thị xã trung tâm. Có thể tham khảo thêm người địa phương để tìm chỗ nghỉ. Tìm chỗ ở gần chợ hoặc trên các đường chính trung tâm giúp bạn dễ tìm chỗ ăn uống và dạo phố đêm. Phần lớn các nhà khách, phòng trọ ở khu vực này giá khoảng 100.000đ – 200.000đ/đêm. Nên xem phòng trước khi quyết định nghỉ lại.
Ăn gì ở Tây Bắc?
Các quán ăn trên cung đường này không nhiều, nhất là những chặng xa thị trấn, trung tâm thị xã, thành phố. Nếu thấy hàng quán, bạn nên dừng lại ăn, đừng kén chọn hoặc đợi quán tốt hơn, bạn có thể sẽ bị đói. Phần lớn hàng quán ở đây ít khách và khách đến vào các giờ khác nhau nên chủ quán ít khi nấu sẵn thức ăn. Chỉ đến khi bạn đến, gọi món thì chủ quán mới nấu để thức ăn được nóng sốt. Vì thế đừng ngại những quán ăn trông "nghèo nàn", hãy mạnh dạn vào hỏi, bạn sẽ có bữa cơm nóng ấm bụng trước khi tiếp tục hành trình.
Các món ăn “tủ” của hàng quán cung đường Tây Bắc là đậu hũ sốt cà, bò xào cần, canh rau đay ăn với cà pháo... Mấy món này khách ăn thường xuyên nên thực phẩm tươi, nấu cũng ngon hơn, lại đủ chất cho hành trình dài. Vài nhà hàng đoạn Mộc Châu có món cá suối chiên khá ngon, ăn kèm với dưa muối chua. Đoạn Sơn La-Điện Biên có món măng chua, hoặc gà rang mặn...Ngoài ra còn có một số món mà bạn đừng bỏ lỡ như:
Cơm lam
Cơm lam từ lâu đã là một món ăn mang đậm hương vị núi rừng, hấp dẫn bất kỳ du khách nào đã có dịp nếm thử. Cơm lam được nấu từ gạo nếp ngon, cho vào ống nứa bánh tẻ, nướng trên lửa cho đến khi chín đều. Từng hạt cơm thơm giòn, dẻo ngọt ăn kèm muối vừng hoặc thịt heo rừng nướng đã tạo nên một món ăn mang đầy đủ hương vị của núi rừng.
Thịt trâu gác bếp
Món thịt trâu gác bếp được làm từ thịt vai và nạc lưng của những chú trâu thả rông trên các vùng đồi núi, ướp thịt với muối hột, ớt, gừng, mắc kén, hạt dổi giã nhuyễn để ngấm gia vị rồi phơi trong bóng râm một ngày, sau đó dùng que xiên vào treo lên gác bếp để than củi nóng hun khô dần. Miếng thịt thơm nồng mùi khói, bên trong dẻo dai đậm đà gia vị, nhấm nháp trong một ngày se lạnh cùng ít rượu thật không còn gì thú vị hơn.
Thắng cố
Món ăn độc đáo của núi rừng Tây Bắc giờ đây đã trở thành một đặc sản phổ biến với du khách. Thắng cố được nấu từ thịt ngựa, trâu và nội tạng với 8 loại gia vị đặc biệt. Thắng cố phải được nhấm nháp cùng chén rượu ngô cay nồng thì du khách mới cảm nhận được trọn vẹn mùi thảo mộc của núi rừng.
Rau Tây Bắc
Nhắc đến rau Tây Bắc không thể nhắc đến món đọt su su xào tỏi ngọt mềm, xanh mướt; rau cải mèo đắng dịu, giòn tan hay hoa ban ngọt ngào dùng để nấu canh.
Lợn cắp nách
Những chú lợn mán nhỏ xíu, thịt chắc và ít mỡ nhờ nuôi thả rông. Trong tiết trời lạnh của vùng cao, ngồi quanh bếp than hồng, thưởng thức những xiên thịt nướng toả hương thơm nghi ngút là một thú vui khiến bất cứ du khách nào đến đây đều không thể chối từ.
Tham quan gì ở Tây Bắc?
Sapa ( Lào Cai)
Sa Pa - Lào Cai là thị trấn nghỉ mát thuộc tỉnh Lào Cai ở độ cao 1600 m so với mặt biển, có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình từ 15 đến 18 độ C, quanh năm mát mẻ, mùa đông có tuyết nhẹ. Từ những năm đầu thế kỷ người Pháp đã tìm thấy sức hấp dẫn của Sa Pa về cảnh quan, khí hậu và nguồn nước.... vì thế du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc Pháp của hơn 200 biệt thự nghỉ má. Sa Pa, một địa danh nguyên sơ với làng bản của các dân tộc ít người như H’Mông, Dao, Tày, Xá Phó... với Thác Bạc, cổng Trời, cầu Mây, hang Gió, núi Hàm Rồng... xứng đáng là một nơi dành cho những ai yêu thích thiên nhiên muốn tìm hiểu phong tục tập quán của người dân miền núi.
Hang Tiên Sơn ( Lai Châu)
Theo các tài liệu nghiên cứu, động Tiên Sơn được kiến tạo từ carxto (một dạng đá vôi) hàng triệu năm. Trong động có 36 cung khác nhau, nối tiếp chạy qua hai sườn núi, càng vào sâu không gian động càng được mở rộng. Mỗi cung động được nhân dân quanh vùng đặt tên linh thiêng như Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho... Tuy vậy, khi vào sâu trong động, người thưởng ngoạn sẽ không gặp những hình ảnh hương khói nghi ngút thường thấy trong các khu động khác, thay vào đó là một không gian thoáng đãng, trong lành.Từ một hang động hoang sơ chưa được cải tạo, khai thác, cây cối um tùm, đến nay, động Tiên Sơn đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn nằm trên trục hành lang du lịch Tây Bắc, từ Sa Pa - Lào Cai sang Lai Châu. Trong tương lai không xa, động sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi đến Lai Châu – Tam Đường.
Hồ Pá Khoang ( Điện Biên)
Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km.
Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc ...Khu vực hồ có nhiều thuận lợi cho hoạt động du lịch như: thảm thực vật phong phú, địa hình đa dạng, khí hậu tốt thích hợp cho việc nghỉ dưỡng... Trong các thảm rừng quanh hồ có nhiều thú và nhiều loại hoa phong lan đủ chủng loại. Dưới hồ có nhiều loại cá và thực vật nổi (có khoảng 65 loài thực vật nổi, 14 loài động vật nổi, 6 loài động vật đáy...)
Hồ Pá Khoang nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Vào mùa đông sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trập trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng, một thắng cảnh quyến rũ lòng người.
Có thể nói Mộc Châu là nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La và vùng núi Tây Bắc - Bắc Bộ. Khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù của Mộc Châu. Ở giữa cao nguyên Mộc Châu là một vùng tiểu khí hậu với mùa hè mát mẻ có nhiệt độ trung bình là 20 độ C và mùa đông khô ráo hơn các vùng khác.
Sản phẩm du lịch tiêu biểu của cụm du lịch Mộc Châu là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch tham quan các cảnh quan, danh thắng; du lịch điền giã; du lịch văn hoá, lễ hội các dân tộc và du lịch đường sông. Đến với Mộc Châu du khách sẽ được tham quan các di tích lịch sử, động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông, và các bản văn hóa của người Mông, người Dao ở Vân Hồ, với những câu hát điệu múa khèn, với các món ăn dân tộc, đặc sản, ẩm thực và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời.
Khu du lịch Cửu Thác Tú Sơn
Khu du lịch Cửu Thác Tú Sơn nằm cạnh đường quốc lộ 12B, trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi. Ở độ cao trên 1000 mét, thiên nhiên nơi đây hùng vĩ, Cửu Thác Tú Sơn như SaPa, mát mẻ như Đà Lạt. Cửu Tác Tú Sơn tự hào với có tới chín con thác như: thác Tiên Tắm, thác tình Âu Cơ, thác Trải Chiếu Quan Lang, Thác nàng Út Lót, Thác Bạc, Thác Triệu Phu, Tháng Thượng Ngàn, Thác Mẫu, Thác Thiên Ngọc Thạch. Trung tâm khu du lịch là hệ thống phòng nghỉ tại Cửu Thác Tú Sơn Resort có nhà nghỉ biệt thự hoàng tử, nhà nghỉ mini, nhà sàn lớn, có đủ dịch vụ ăn uống, có các món ăn đặc sản miền núi tỉnh Hòa Bình.
Hồ Thác Bà ( Yên Bái)
Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.
Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao rất đặc sắc.
Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật - một vị đầu lĩnh thời Lê và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh ủy Yên Bái đã từng làm việc tại đây. Động Thủy Tiên còn gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở nơi hồng trần. Thăm động và thưởng ngoạn những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, với hệ thống hang động gắn với truyền thuyết ly kỳ, du khách có cảm giác đang lạc trong thế giới thần tiên như mơ, như thực để trút bỏ tất cả những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường.
Những lưu ý khi đến Tây Bắc
Trừ vài điểm đến đã được "du lịch hóa", nhiều vùng đất dọc theo cung đường Tây Bắc còn khá hoang sơ, người dân chân chất hiền lành nhưng khi đến đây bạn phải tuyệt đối tôn trọng văn hóa của người bản địa.
Không đùa cợt quá mức, không trêu chọc các em gái địa phương, không cười nói ồn ào khi vào các bản làng vì sẽ làm phiền dân bản, không chụp ảnh họ nếu họ không cho phép hoặc có ý không vui.
Nếu bạn thân thiện, gần gũi, tôn trọng người bản địa, bạn sẽ nhận lại được những điều như vậy từ họ. Có khi bạn còn được mời vào nhà chơi và trò chuyện với chủ nhà. Dù muốn tìm hiểu đời sống của người dân, bạn cũng không nên dòm ngó quá mức vào các góc trong nhà, đặc biệt không ngó nghiêng vào chỗ ngủ của gia chủ.
Phải xem kỹ bản đồ về đường đi trước khi lên đường. Không nên đi cung đường này theo kiểu ngẫu hứng, sao cũng được. Để có một chuyến đi an toàn cho bản thân bạn và không ảnh hưởng đến người khác, cần chuẩn bị cẩn thận mọi thứ. Phải tính toán hành trình mỗi ngày để đi và đến an toàn.
Phải bảo vệ phương tiện di chuyển của mình, khi thấy có đoạn khó đi cần xuống xe quan sát trước khi vượt qua. Phải làm chủ vận tốc xe trong mọi tình huống. Khi thấy mệt nên tìm chỗ an toàn dừng lại nghỉ ngơi, không đi cố...
Nên dự trữ thức ăn trên xe như bánh ngọt, chocolate, vài loại trái cây như táo, mận, cam.. phòng khi đói bụng mà không gặp hàng quán dọc đường. Luôn mang theo áo ấm dù đi cung đường này vào mùa đông hay mùa hè.
Và đừng quên mua nhiều kẹo, bánh để sẵn trong xe vì bạn có thể gặp trẻ em ở bất cứ nơi nào trên đường và món quà tuyệt vời nhất cho lũ trẻ vùng cao chính là bánh, kẹo. Nhìn lũ trẻ vui cười hớn hở với những chiếc kẹo xinh xinh, chuyến đi của bạn sẽ thêm trọn vẹn và ấm áp hơn.