Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sa Pa
VH- Ngày 2.11, tại Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013).
Tham dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn… cùng hàng vạn người dân.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Nghi lễ Pút tồng của người Dao đỏ, Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở Tả Van và Nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa (ảnh).
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao Kỷ niệm chương và Bằng công nhận kỷ lục Việt Nam cho 3 danh thắng, đó là: Đèo Ô Quý Hồ - Đèo dài nhất Việt Nam; Quần thể ruộng bậc thang lớn nhất và ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể du lịch vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 đều xác định Sa Pa là đô thị du lịch duy nhất trong 21 khu du lịch trọng điểm của quốc gia, là đô thị nghỉ dưỡng trong không gian miền núi Tây Bắc Việt Nam.
Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng đang là địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Sa Pa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông chưa được đầu tư hoặc xuống cấp; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.
Để Sa Pa trở thành trung tâm du lịch quốc gia và là đô thị đặc sắc của tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm xây dựng Sa Pa trở thành đô thị du lịch đặc sắc, văn minh trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch du lịch với các loại hình du lịch phong phú, như du lịch làng bản, sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái; xây dựng nếp sống văn hóa, thanh lịch, mang bản sắc riêng của đô thị du lịch miền núi; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Xây dựng cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển du lịch theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm du lịch, chia sẻ lợi ích từ du lịch. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển du lịch.
Trong dịp này đã có trên 3 vạn du khách đến Sa Pa. Sở VHTTDL Lào Cai phối hợp cùng với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá phòng, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Hệ thống cáp treo hiện đại nhất Châu Á lên đỉnh Fansipan
Cũng trong dịp này, tại Sa Pa đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Dự án Quần thể du lịch Fansipan - Sa Pa. Dự án Quần thể du lịch Fansipan - Sa Pa chia thành 2 giai đoạn đầu tư, bao gồm các hạng mục: Khu du lịch tâm linh; hệ thống cáp treo 3 dây; khu vui chơi, giải trí; khu ẩm thực; hệ thống khách sạn 4 sao; sân golf 18 lỗ... Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 4.400 tỉ đồng.
Điểm nhấn của toàn bộ dự án chính là Hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại, lần đầu tiên có tại châu Á và có nhiều kỷ lục thế giới, đó là dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất. Khi hệ thống cáp treo 3 dây được đưa vào sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian hành trình 2 ngày – đêm chinh phục đỉnh Fansipan xuống còn 15 phút. Cáp treo vận hành liên tục với độ dài toàn tuyến 7 km; công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh (2.9.2015).
Thắng Ngọc