Vườn dâu treo theo phương pháp thủy canh đã xuất hiện vài năm trở lại đây tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Trước đây, nông dân Đà Lạt trồng dâu đại trà theo từng luống dưới đất.
Du khách chụp ảnh tập làm nông dân hái dâu
Hiện nay một số nhà vườn đã áp dụng công nghệ trồng dâu treo theo phương pháp thủy canh trong nhà kính để tránh chuột, hạn chế sâu bệnh, giảm tối đa bệnh tật cho dâu (tránh việc dùng thuốc trừ sâu).
Vườn dâu trồng trên giàn cao cách ly mặt đất 1 mét, được tưới và bón phân bằng hệ thống tưới ống cắm nhỏ giọt.Tại đây, nông dân còn nuôi ong để quá trình thụ phấn cho hoa dâu được dễ dàng và dâu thuần chủng không bị lai tạp.
Theo chân hai bạn trẻ Bích Ly và Anh Dũng, chúng tôi đến tham quan vườn dâu treo Biofresh (17 Vòng Lâm Viên, P.8, TP. Đà Lạt). Hai vị khách trẻ tuổi này tranh thủ chụp ngay những bức ảnh bên những chậu dâu tươi đỏ mọng trước khi được nông dân thu hoạch.
Khi được hỏi vì sao vẫn còn một số dãy chưa có chậu dâu, chị Nguyễn Thị Thu Thủy chủ nhân của khu du lịch này vui vẻ trao đổi với khách: “Chúng tôi đang di chuyển nông trại 1,5ha dâu treo trong nhà kính từ Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương ra đây để tiện cho du khách tham quan mô hình mới này. Mô hình dâu treo với hệ thống tưới tiêu khép kín đã được chúng tôi tìm tòi, nghiên cứu và phát triển đã ba năm nay”.
Cầm trên tay hộp mứt dâu xinh xắn, chị Thủy “khoe” đây là thành phẩm của công nghệ Trồng-Thu hoạch-Chế biến các giống dâu Mara Des Bois, Chalalotte thành đặc sản Đà Lạt theo quy chuẩn Pháp.
Anh Nguyễn Thành Trung đang chiết nhánh dâu con, bên dưới máng dâu treo anh Trung cho trồng bắp cải
Không quy mô như nông trại của Biofresh, vườn dâu treo của anh Nguyễn Thành Trung (35 Hồ Xuân Hương, P.9) là nhiều dãy máng “đất” phủ vải nhựa có đục lỗ bên trên để trồng dâu.
Bên dưới những máng dâu treo là những cây bắp cải.Anh Trung cho biết trồng dâu trên giàn như vậy hạn chế được 80% một loại côn trùng nguy hiểm là nhện dâu. Khi phát hiện ra chúng, ta chỉ việc phun nước làm nhện sẽ rơi xuống đất tự chết (khỏi phải phun thuốc như trồng dưới đất).
Vườn dâu treo của Nguyễn Lâm Thanh để trên giá đỡ là những cột tre
Không dùng từng chậu hay máng treo, vườn dâu treo của anh Nguyễn Lâm Thanh (46 Đa Phú) gồm xơ dừa, kết hợp với các chế phẩm sinh học tất cả được nhồi vào từng bao nylon (dài 1,2m) được khoét lỗ.
Cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất, các bao giá thể được đặt trên hệ thống giàn tre hai tầng với hệ thống tưới tự động chất dinh dưỡng và phân bón. Giống dâu của Lâm Thanh là giống New Zealand có vị ngọt, đặc cơm mặc dù năng suất không cao như trồng ngoài trời, nhưng anh vẫn không có dư để bán đại trà vì đã có mối đặt hàng.
Vườn dâu treo của Biofresh được thu hoạch vào mỗi buổi sáng. Vườn dâu gồm những chậu nhựa có thể dễ dàng khi di chuyển đến địa điểm khác hoặc cách ly ngay nếu bị sâu bệnh
Những khách hàng kỹ tính đã bắt đầu chú ý đến sản phẩm dâu sạch trồng theo công nghệ cao trong nhà kính. Mặc cho giá của nó cao gấp 4-5 lần ngoài chợ, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn để bán vì các sản phẩm trên đã được các khách hàng cao cấp, khách sạn, nhà hàng, hệ thống siêu thị – đa số ở TP.HCM bao tiêu hết.
Mặc dù không thể cung ứng sản phẩm hết cho các khách tham quan tại chỗ, nhưng các nhà vườn trên đều rất nhiệt tình đón du khách vào tham quan, chụp ảnh, trao đổi phương cách trồng thủy canh, vườn treo…
Những vườn dâu sạch trên, ngoài việc đáp ứng nhu cầu làm thực phẩm đầy chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe mọi người, còn trở thành điểm thú vị cho du khách tham quan khi đến du lịch Đà Lạt.
Dâu tươi đóng gói
Giống dâu của Nhật
Giống dâu của New Zealand
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy với chậu dâu giống Mara des Bois
Thu hoạch dâu tươi vào mỗi buổi sáng
Mứt dâu thành phẩm BioFresh
Thu hoạch, cân đóng gói và dán nhãn sản phẩm dâu Mara des Bois
Theo Cẩm nang du lịch