Những loài ‘xấu tính’ nhất trong thế giới động vật

Những loài vật muốn tồn tại trong tự nhiên buộc phải có cách thích nghi với cuộc sống đầy biến động và hiểm nguy.

Để duy trì được nòi giống, một số loài động vật đã hình thành những tập tính rấtkỳ quặc, chúng chấp nhận mang tiếng 'xấu' để có thể tồn tại và phát triển tốt nhất.

Cùng điểm lại một vài 'ông bố bà mẹ tồi tệ' trong thế giới động vật này qua danh sách của trang Mentafloss.

1. Bộ linh trưởng (Vượn cáo đuôi vòng, voọc xám)


Ở loài voọc xám có trường hợp những con đực trưởng thành còn độc thân 'kết bè' thành một băng đảng chuyên đi phá rối các gia đình khác.

Chúng thường đánh đuổi 'ông bố' trước, rồi 'tự xử' nội bộ nhóm để chọn ra kẻ mạnh nhất – có quyền giao phối với 'bà mẹ'.

Con đực chiến thắng trong trận chiến này sẽ giết chết các con non trong gia đình để tái thiết một tổ ấm mới.

Hành động loại bỏ các con non đang trong thời kỳ bú sữa mẹ của 'ông bố mới' sẽ khiến voọc mẹ động dục trở lại và tăng thêm sức để giao phối.

Với loài khỉ đầu chó, nếu khỉ mẹ đang mang thai thì 'bố dượng' chẳng cần phải ra tay, bởi khỉ mẹ sẽ loại bỏ chính con mình bằng cách tự sẩy thai.


Theo nghiên cứu cho biết, cơ thể của khỉ mẹ sau khi nhận tín hiệu có 'chồng mới' sẽ tiết những hormone đặc biệt để phá hủy cái thai và sau đó động dục trở lại để có thể thực hiện giao phối

Mặc dù tập tính này có phần man rợ nhưng chúng lại mang một ý nghĩa sinh thái rất quan trọng khi giúp điều chỉnh mật độ quần thể và chọn lọc tự nhiên để có thế hệ con tốt hơn.

2. Họ chim cu cu: Lười nuôi con, đẻ trứng vào tổ chim khác


Đây là họ chim rất lười biếng trong việc nuôi con. Đa số loài thuộc họ chim cu cu (chim chích, cu cu mỏ vàng…) này có hiện tượng đi đẻ trứng vào tổ chim của những con khác.

Hành động đó giúp chúng có nhiều thời gian để kiếm ăn và sinh sản hơn trong khi con cái của chúng lại có tỷ lệ sống sót cao hơn trước những nguy cơ từ tự nhiên.

Tuy vậy, đối với các con chim bị đẻ nhờ vào tổ thì đây là điều không may mắn, chúng có thể bị tụt lại trong cuộc đua tiến hóa.


Trứng của chim ký sinh trông gần giống với trứng của chim 'bố mẹ nuôi' nên chúng vẫn vô tư ấp nó cho đến khi nở.

Sau khi ra đời, con chim non sẽ đẩy tất cả các quả trứng con ruột của bố mẹ nuôi ra khỏi tổ để loại bỏ sự cạnh tranh.

Khi phát hiện chim khác lén chèn thêm trứng con mình vào tổ và đẩy bớt trứng đi, bố mẹ chim ký sinh sẽ bay đến phá tổ, đánh chim non để trả thù đối phương vì… không nuôi con hộ mình.

Tuy tàn nhẫn nhưng đây là một cách tiến hóa để thích nghi rất độc đáo của những loài chim này trong việc sinh sản và nuôi con.

3. Chim sẻ nhà: Giết chết 'con riêng'


Đây là một loài chim phân bố rộng trên thế giới, thường làm tổ trong nhà người dân, ở mái hiên hay các vách nứt.

Tới mùa giao phối, các con đực sẽ tạo dựng chiếc tổ thật đẹp để thu hút con cái. Sau khi bắt cặp được với một cô chim và có con, sẻ đực sẽ tìm nơi để xây dựng một gia đình mới.

Chim sẻ mái sẽ vô cùng tức giận và đánh ghen bằng cách tìm ra 'cô đào' mới của chồng và phá tổ, giết chết những đứa con vô tội của 'ả' đó không thương tiếc.


Bằng cách này, chim sẻ trống buộc phải dành nhiều thời gian hơn để kiếm ăn và bảo vệ cho những đứa con cũ.

4. Gà lôi nước: Tiêu diệt con của đối thủ


Trong bộ Gà thường có sự phân biệt giữa đực và cái rất rõ rệt – con trống đẹp thì thường đa thê, nhiệm vụ sinh sản và chăm sóc con cái là của những con mái.

Nhưng ở loài gà lôi nước thì ngược lại – gà mái đẻ trứng nhưng gà trống mới là những người chịu trách nhiệm chăm sóc trứng cho đến khi trứng nở.

Con mái sẽ đi vòng quanh để bảo vệ lãnh thổ và tranh thủ kiếm thêm vài bạn tình khác. Nó tiếp tục giao phối, đẻ trứng và để lại cho gà trống chăm sóc.

Trong vùng lãnh thổ, nếu gà mái phát hiện ra có một con mái nào khác đang làm tổ, đẻ trứng, hay ve vãn con đực của mình, nó sẽ ngay lập tức tranh giành gà trống để chăm sóc con.


Chưa dừng lại ở đó, 'bà mẹ' sống sót sẽ đi phá tổ của kẻ bại trận, tiêu diệt cả những đứa con non vô tội, thậm chí cả những đứa con chưa kịp ra đời.