Du lịch miền Tây là đến với vùng đất nam bộ nơi có cây cối quanh năm xanh tốt, kênh rạch chằng chịt. Đến miền tây, du khách sẽ được lênh đênh trên những khu chợ nổi tấp nập xuồng ghe, nghe những bài vọng cổ da diết đi sâu vào lòng người. Thú vị nhất là bạn có thể ghé thăm những khu miệt vườn cây trái xum xuê, được thưởng thức những trái chín thơm ngon và say lòng với hương vị ẩm thực giản dị nhưng rất độc đáo của xứ sở sông nước đầy thi vị này.
PHONG PHÚ NHỮNG TRÁI CÂY MIỆT VƯỜN
- Vú sữa Lò Rèn
Vú sữa Lò Rèn là loại trái cây nổi tiếng ngon ngọt của miền tây, được trồng nhiều tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Nếu một lần được thưởng thức vú sữa Lò Rèn hẳn du khách sẽ không thể nào quên được hương vị ngọt ngào, dịu mát của loại quả đặc biệt này.
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thì trên thị trường thế giới, vú sữa Lò Rèn của nước ta hầu như không có đối thủ cạnh tranh.
Hiện nay, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã trở thành “thương hiệu độc quyền” của tỉnh Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Vú sữa Lò Rèn mang những nét đặc biệt mà không nơi nào có được: quả tròn trịa, đẹp mắt, mỏng vỏ, ruột dày và hạt nhỏ. Khi chín thoang thoảng hương thơm, xẻ ra có ruột màu trắng sữa, ngọt thanh và mát dịu.
Về miền tây, bạn sẽ được tham quan các vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn ở 13 xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang: Vĩnh Kim, Song Thuận, Phú Phong…
- Bưởi Năm Roi
Bưởi Năm Roi là loại cây ăn đặc sản của huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long). Giống bưởi này nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước bởi có hương vị ngọt thanh, tép mềm dễ tách và đặc biệt là không có hạt.
Giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi người làng Mái Dầm nay thuộc xã Phú Hữu A, Hậu Giang tìm thấy. Hiện nay, bưởi Năm Roi được trồng nhiều nhất là ở Phú Hữu (Hậu Giang) và Bình Minh (Vĩnh Long). Hiện bưởi Năm Roi cũng được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
- Dừa sáp Cầu Kè
Đây được xem là một loại trái cây độc đáo ở miền tây, chỉ có thể trồng được ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Trái dừa sáp Cầu Kè khi bổ ra bên trong phần cùi và nước dừa sền sệt hoà lẫn với nhau. Người miền tây thường nạo lấy phần ruột trong trái dừa thêm chút đường, chút sữa và xay nhuyễn tạo ra món sinh tố ngon tuyệt.
Một điều đặc biệt là, cây dừa sáp cũng giống như cây dừa bình thường nhưng khi cho trái, mỗi buồng dừa chỉ có từ 1 đến 2 trái dừa lên sáp, những trái còn lại cũng như trái dừa bình thường. Đến Trà Vinh, đừng quên mua đặc sản dừa sáp làm quà vì đây là “hàng độc”, chẳng nơi nào có được.
- Xoài cát Hoà Lộc
Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quả xoài có trọng lượng trung bình từ 350 – 450g, dáng thuôn dài. Khi chín, vỏ có màu vàng nhạt, ruột màu vàng tươi, mịn, ít xơ, vị ngon và thơm.
Xoài được trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, tỉnh Định Tường nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, về Tiền Giang, bạn sẽ thấy một hợp tác xã xoài cát Hoà Lộc – Hoà Hưng với gần 100 hộ dân chuyên canh giống xoài hấp dẫn này.
- Mít ruột đỏ
Mít ruột đỏ là giống mít xuất xứ từ Thái Lan, xuất hiện ở Việt Nam cách đây vài năm. Mít ruột đỏ do ông Võ Văn Mau ngụ ở tổ 11, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đem về Việt Nam và nhân giống đầu tiên. Loại mít đặc biệt này có vỏ trái chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ đậm, ruột mít bên trong màu đỏ rất lạ mắt.
Mít ruột đỏ có mùi thơm như mùi dầu chuối, độ ngọt thanh, ngon hơn mít nghệ truyền thống. Khi chín, mít có màu cam đậm, múi mít dày và dai, càng để lâu mít càng đỏ và ngọt hơn. Mít ruột đỏ là một đặc sản của miền Tây Nam Bộ.
Hiện nay, mít ruột đỏ là loại cây có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông dân ở miền tây chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Với những múi mít đỏ lạ mắt, cùng với vị ngọt thanh, thơm ngon, đã khiến rất nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên trong lần đầu tiên thưởng thức.
- Sầu riêng Cái Mơn
Nhắc đến Bến Tre, người ta thường liên tưởng ngay đến địa danh Cái Mơn, quê hương của những trái sầu riêng thơm phức, nổi tiếng gần xa.
Tham quan những vườn sầu riêng ở Cái Mơn bạn sẽ thấy những cây sầu riêng cao vút, xum xuê trái. Cây sầu riêng ở đây còn được gọi là cây mít đọt vì sầu riêng có họ hàng với họ nhà mít và vì nó kết trái trên đọt cây cao. Trái sầu riêng có gai rất to, dài và cứng. Quả sầu riêng khi chín tự nó sẽ rụng xuống đất vào ban đêm.
Sầu riêng Cái Mơn nặng trung bình từ 1 – 2 kg. Khi chín, vỏ tự tách ra theo những khe nhất định, chia thành bốn hoặc năm mảnh theo chiều dọc, để lộ ra những múi béo ngậy nằm gối lên nhau, các múi đều nằm trong những buồng riêng biệt.
Sầu riêng Cái Mơn có cơm dày, màu trắng ngà hoặc màu mỡ gà bọc quanh hạt, có vị ngọt, béo và rất thơm. Về miền tây, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức loại trái cây hấp dẫn này.
Ngoài ra, đến miền tây bạn sẽ có cơ hội thưởng thức rất nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước như: nhãn Long Tiền Giang, chuối cau, xoài Cát Chu, bưởi da xanh, thanh long,…
VỀ MIỀN TÂY THƯỞNG THỨC NHIỀU MÓN NGON HẤP DẪN
Không chỉ có những vườn trái cây xum xuê trĩu quả, miền tây Nam Bộ còn được biết đến là một vùng đất với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng. Những món ăn như hủ tiếu, bánh xèo, bún cá, các loại bánh ngọt,… đã trở nên quen thuộc và hấp dẫn đối với du khách gần xa.
- Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn của người Hoa du nhập vào miền Tây và nhanh chóng trở thành một món ăn nổi tiếng. Món hủ tiếu được chế biến đơn giản với sợi hủ tiếu, nước dùng, tôm, thịt… cùng các loại rau sống tươi như xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi.
Trải qua thời gian, sự pha trộn, chế biến giữa các nguyên liệu đã hình thành nên ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở miền tây: Hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc. Mỗi loại hủ tiếu đều mang những hương vị khác nhau. Đến miền tây, bạn nhớ thưởng thức món ăn hấp dẫn này.
- Bún mắm
Bún mắm là món ăn truyền thống của người Khmer ở đây. Món ăn này trước kia được nấu từ mắm Bò Hóc, nhưng hiện nay người ta còn sử dụng mắm cá linh hay cá sặc. Món ăn này được chế biến đơn giản: mắm được nấu rã, sau đó lọc lấy phần nước trong, nêm gia vị cho vừa ăn, dùng chung với các nguyên liệu như miếng cá, tôm, mực, heo quay và bún tươi.
Khi thưởng thức món bún mắm không thể thiếu đĩa rau sống với đủ các loại rau đặc trưng như: cọng bông súng, rau đắng, bắp chuối, rau muống, kèo nèo, giá, diếp cá. Bún mắm là món ăn dân dã, được bán khắp nơi các chợ, ngõ hẻm, nhất là tại những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Bún mắm cũng mang nhiều hương vị khác nhau. Bún mắm Sóc Trăng vị đậm, nước trong vắt còn bún mắm Trà Vinh ít đậm đà hơn nhưng nhiều rau, ăn đỡ ngán.
- Bún cá
Bún cá là món ăn dân dã, quen thuộc của người dân các tỉnh miền tây như: Kiên Giang, Cà Mau, An Giang… thành phần bún cá khá đơn giản với cá lóc, bún tươi, tép và rau ăn kèm.
Bát bún cá nóng hổi, thơm ngon nhiều màu sắc, lát cá trắng tinh, những con tép vàng ươm lẫn trong màu xanh của hành lá, thêm một chút gia vị ớt chua băm nhuyễn. Bún cá được ăn kèm với các loại rau quen thuộc như xà lách, giá đỗ, rau răm, húng thơm, bắp chuối thái nhuyễn,… Vào mùa cá có trứng, người ta sẽ đánh tơi trứng và cho vào nồi, những mảng trứng vàng tươi làm cho món ăn thêm đẹp mắt vá hấp dẫn hơn rất nhiều.
Khác với bún cá Nha Trang, bún cá Ninh Thuận…. bún cá miền Tây ít dai hơn nhưng phần thịt ngọt nước, ăn vào sẽ làm bạn nhớ mãi.
- Lẩu mắm
Bên cạnh món bún mắm nổi tiếng, khi nói đến ẩm thực miền Tây người ta không thể không kể tới món lẩu mắm đậm đà, thơm ngon. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân xứ miệt vườn đã làm nên món lẩu mắm độc đáo được nhiều người ưa thích.
Món ăn này rất đặc biệt vì có mắm là hương vị chính được ăn cùng các nguyên liệu khác như: thịt heo, tôm, mực và các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau,…cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí…
- Lẩu cá linh
Đây chính là món ăn đặc sản ngon và đậm chất chỉ có vào mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ. Nếu có dịp đến Cần Thơ, Hậu Giang hay An Giang… vào mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức món ăn đậm nét Tây Nam bộ này.
Cá linh có vào mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Sự độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị từ hoa điên điển. Tất cả hương vị và gia vị đã càng làm cho món ăn trở nên lạ miệng và quyến rũ. Món ăn dậy mùi thơm phức làm “phải lòng” những thực khách khó tính nhất.
- Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là một món ăn dân dã của người dân miền sông nước Nam Bộ. Với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản, món ăn này không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà còn rất có sức hấp dẫn đối với những du khách phương xa.
Đặc điểm của món cá lóc nướng trui là cách chế biến đơn giản, dân dã. Cá vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi cá, sau đó vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng tinh và thơm phức.
Khi nướng xong, gỡ lấy thịt cá, chấm muối ớt hoặc nước mắm me trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn.
- Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo là món ăn bình dị của người miền Tây. Ở miền Tây, bánh xèo thường được tráng trong chảo lớn trên bếp củi hoặc bếp than. Nhân bánh nhìn rất hấp dẫn với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm… Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm..
Người miền tây dùng nước chấm có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường…
Ngoài các món ăn kể trên, miền tây còn rất nhiều món ăn ngon như: bún nước lèo, các loại bánh: bánh ít, bánh tét, bánh pía, nem… là những món ăn rất được lòng du khách khi đến với xứ sở miệt vườn này.
Khám phá miền tây sông nước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vùng đất có không khí trong lành, không gian yên bình và là xứ sở của những loại trái cây đặc sản. Bên cạnh đó, du lịch miệt vườn miền Tây Nam Bộ bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Nếu một lần ghé qua chắc hẳn sẽ đọng lại trong lòng quý khách những ấn tượng khó quên về vùng đất tươi đẹp này.