Bánh cúng nhí - Ảnh: Thanh Tâm
Bánh cúng được làm từ bột gạo, không nhân, hình tổ sâu kèn, có khi hình ống, gói bằng lá chuối, dài khoảng 0,5-1,5 cm, có tên gọi đơn giản, mộc mạc như bản chất vốn có của người dân miền Tây.
Nhìn bên ngoài chiếc bánh cúng do ngoại chế biến thật giản dị, khác với những chiếc bánh cúng bán ngoài chợ có hình trụ dài hơn gang tay, cứ một chục 10 cái buộc chặt 2 đầu bằng dây chuối. Bánh ngoại làm thì nhỏ, dạng hình phễu, dài cỡ ngón trỏ, không cần buộc dây, cứ cho vào miệng "lủm" một cái là xong.
Để làm bánh, ngoại thường chọn gạo ngon, không lẫn tạp chất đem ngâm nước trước một đêm để hôm sau xay thành bột. Anh tôi được phân công ra sau vườn hái dừa khô, rọc lá chuối xiêm lau sạch phơi heo héo, ra trước sân cắt nắm hành lá.
Khi ngoại xay bột xong cũng là lúc mọi phụ liệu anh em tôi đã sẵn sàng: nước cốt dừa để ra tô, lá chuối xé miếng vừa kích cỡ để ra sàng, hành lá xắt thật nhuyễn để ra chén, cùng các gia vị muối, đường…
Bằng những động tác điêu luyện, ngoại đổ bột vào thau pha cùng nước cốt dừa, một ít muối, đường nêm cho vừa khẩu vị và dùng vá đảo đều cho bột hòa tan để chuẩn bị đổ bánh. Lá chuối thành hình phễu thật chặt, dùng muỗng nhỏ múc bột vừa đủ cho vào phần đáy phễu, rắc một ít hành lá xắt nhuyễn lên, phần lá chuối dư gài xuống mặt đáy.
Bánh cúng thông thường bán ngoài chợ - Ảnh: Thanh Tâm
Dùng tay lột nhẹ miếng lá chuối lộ ra bột bánh màu trắng mịn màng, mềm mại, thật quyến rũ. Cho miếng bánh vào miệng nhai chậm rãi, sẽ cảm nhận được mùi thơm, vị béo của bột, của nước cốt dừa và bột bánh dai dai lan tỏa vào miệng.
Ngoại tôi nay đã xa khuất. Một hôm ra chợ bắt gặp người bán bánh cúng có hình dáng như chiếc bánh ngoại làm. Tôi mừng rỡ mua ngay hai chục bánh về xếp ra đĩa dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ ngoại. Nhưng sau đó lột bánh ra ăn mới thấy hụt hẫng vì bánh không ngon bằng chiếc bánh do ngoại gói ngày xưa.
Nhớ đến ngoại, bất chợt tôi thấy sống mũi mình cay cay...
THANH TÂM